Tôi thấy trong một số vụ án hình sự, bị oan sai thì Nhà nước thực hiện bồi thường cho người bị oan, vậy đối với các lĩnh vực khác khi người dân bị thiệt hại thì việc bồi thường được thực hiện thế nào?
- Hỏi: Tôi thấy trong một số vụ án hình sự, bị oan sai thì Nhà nước thực hiện bồi thường cho người bị oan, vậy đối với các lĩnh vực khác khi người dân bị thiệt hại thì việc bồi thường được thực hiện thế nào?
Phạm Vũ (Cam Phúc Bắc, Cam Ranh)
- Trả lời: Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại không chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động tố tụng hình sự mà còn ở các lĩnh vực khác như: trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và trong thi hành án do người thi hành công vụ gây ra. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho phép người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường vì hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.
Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có căn cứ là có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại và có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp: do lỗi của người bị thiệt hại; người bị thiệt hại che giấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc; do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng