10:11, 19/11/2015

Có thể chuyển nhượng đất đang thế chấp?

- Hỏi: Tôi vừa cho một người vay một khoản tiền, thỏa thuận viết giấy tay bán đất; tôi đã nhận đất, trồng cây ăn trái, chuẩn bị làm nhà, nhưng sổ đỏ của họ đã thế chấp tại ngân hàng. Xin hỏi tôi phải làm thủ tục đăng ký thế nào?


Đinh Trọng Cường (Cam Lâm)

- Hỏi: Tôi vừa cho một người vay một khoản tiền, thỏa thuận viết giấy tay bán đất; tôi đã nhận đất, trồng cây ăn trái, chuẩn bị làm nhà, nhưng sổ đỏ của họ đã thế chấp tại ngân hàng (NH). Xin hỏi tôi phải làm thủ tục đăng ký thế nào?


Đinh Trọng Cường (Cam Lâm)


- Trả lời: Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất (SDĐ) quy định: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền SDĐ, quyền SDĐ và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Trong trường hợp của ông, các bên chuyển nhượng quyền SDĐ cho nhau chỉ bằng giấy viết tay là không phù hợp quy định của pháp luật, nên sẽ không được pháp luật thừa nhận; dù cho giấy chứng nhận quyền SDĐ không bị NH nắm giữ do đất này đang thế chấp thì với giấy tờ đó ông cũng không làm thủ tục đăng ký nhận quyền SDĐ được.


Để có thể thực hiện việc chuyển nhượng và đăng ký sang tên chủ quyền SDĐ, bên thế chấp phải thực hiện xong nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp, được NH trả lại giấy chứng nhận quyền SDĐ, hoặc trong trường hợp chưa thực hiện xong nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp thì bên thế chấp phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp thỏa thuận cho chuyển nhượng. Khi đó các bên phải thiết lập hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ, được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.


Do bên vay đã nhận tiền vay, trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận thực hiện các việc trên để đi đến hoàn tất việc chuyển nhượng, ông có thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng