Trong thôn tôi có cụ bà đã hơn 70 tuổi, sống một mình không con cái, cuộc sống rất khó khăn. Cụ nói có vài đứa cháu con của người em, nhưng ở xa và cũng ít có quan hệ thăm nom. Xin cho biết với hoàn cảnh của cụ thì các cháu có trách nhiệm cấp dưỡng để nuôi cụ không, pháp luật quy định việc này thế nào?
-
Hỏi:
Trong thôn tôi có cụ bà đã hơn 70 tuổi, sống một mình không con cái, cuộc sống rất khó khăn. Cụ nói có vài đứa cháu con của người em, nhưng ở xa và cũng ít có quan hệ thăm nom. Xin cho biết với hoàn cảnh của cụ thì các cháu có trách nhiệm cấp dưỡng để nuôi cụ không, pháp luật quy định việc này thế nào?
Hoàng Cẩm Nhung (Cam Lâm)
-
Trả lời: Trong trường hợp của cụ bà mà bạn đề cập thì các cháu ruột gọi cụ bằng dì, thuộc đối tượng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cụ.
Cấp dưỡng, theo Luật Hôn nhân và Gia đình là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Đây là nghĩa vụ không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Trong quan hệ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột được quy định tại Điều 114 của Luật Hôn nhân và Gia đình, với nội dung:
1. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của luật này.
2. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của luật này.
Trong trường hợp một người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì các cá nhân, cơ quan, người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng