10:01, 12/01/2015

Cấp giấy chứng nhận nhà đất khi chưa chia thừa kế

Cha mẹ tôi qua đời đã hơn 15 năm, để lại căn nhà trên diện tích đất hơn 300m2. Vừa qua, người em út trực tiếp ở và quản lý nhà đất này đã làm thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có ý kiến của anh chị em chúng tôi. Chúng tôi không đồng ý, vì sinh thời ông bà vẫn nói nhà đất sau này để lại các con cùng sử dụng và làm nơi thờ cúng. Xin hỏi trong trường hợp này chúng tôi phải làm thế nào?

- Hỏi: Cha mẹ tôi qua đời đã hơn 15 năm, để lại căn nhà trên diện tích đất hơn 300m2. Vừa qua, người em út trực tiếp ở và quản lý nhà đất này đã làm thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có ý kiến của anh chị em chúng tôi. Chúng tôi không đồng ý, vì sinh thời ông bà vẫn nói nhà đất sau này để lại các con cùng sử dụng và làm nơi thờ cúng. Xin hỏi trong trường hợp này chúng tôi phải làm thế nào?

                                                                                                                         Vũ Việt Hà (Cam Ranh)


- Trả lời: Về nguyên tắc, khi người chết để lại tài sản, tài sản đó phải được giải quyết theo thủ tục thừa kế. Nếu người chết để lại di chúc và di chúc có hiệu lực thì di sản được phân chia theo di chúc. Nếu người chết không có di chúc thì di sản được phân chia theo quy định của pháp luật cho những người thừa kế theo các hàng thừa kế. Di sản chưa được giải quyết theo thủ tục thừa kế được pháp luật quy định mà một người tự ý kê khai đăng ký sở hữu tài sản này là không phù hợp quy định của pháp luật. Những người thừa kế khác có thể khiếu nại đến cơ quan thẩm quyền đã thực hiện đăng ký sở hữu tài sản để làm rõ sự việc hoặc được xem xét giải quyết.


Mọi phát sinh tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Cũng cần lưu ý, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.


Việc các cụ trước đây có chủ ý sau này tài sản để cho các con cùng sử dụng và thờ cúng, nhưng nếu không có di chúc để lại về việc đó thì sẽ không có cơ sở để bảo vệ trước pháp luật.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng