08:10, 30/10/2014

Sẽ xét yếu tố lỗi của các bên

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014 (Luật Hôn nhân và Gia đình 2014), có quy định: Khi giải quyết ly hôn, việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố "Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng". Đây là điểm mới so với Luật Hôn nhân và Gia đình 2000...

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014 (Luật HN-GĐ 2014), có quy định: Khi giải quyết ly hôn, việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Đây là điểm mới so với Luật HN-GĐ 2000...


Thực tiễn giải quyết án hôn nhân theo Luật HN-GĐ 2000, bên đương sự vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng (có hành vi bạo hành, ngược đãi, xúc phạm uy tín, nhân phẩm; ngoại tình; cờ bạc, vô trách nhiệm với con cái...) vẫn được Tòa án giải quyết cho ly hôn, được giành quyền nuôi con, được quyền yêu cầu chia tài sản chung như mọi trường hợp khác. Bởi khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 95 Luật HN-GĐ 2000 về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn: “Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”.


Vì thế lâu nay, Tòa án chỉ dựa trên thực trạng quan hệ hôn nhân, không xét yếu tố lỗi của vợ chồng trong việc làm phát sinh mâu thuẫn dẫn tới ly hôn. Việc xác định căn cứ ly hôn vì thế còn định tính, trừu tượng, khó xác định và cũng không bao quát được hết các trường hợp vợ chồng có yêu cầu chính đáng về ly hôn. Vì thế, việc xác định trách nhiệm của người vi phạm quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân đã không được quy định rõ ràng. Việc này, vô hình trung lại quá “công bằng” đối với người vi phạm cả về đạo đức và pháp luật. Phán quyết của Tòa án không xét yếu tố lỗi, là không đảm bảo quyền hợp pháp đối với bên đương sự bị thiệt hại do đương sự có lỗi gây ra. Nhiều phán quyết của Tòa án trong trường hợp này không được đương sự và dư luận xã hội đồng tình. Từ đó dẫn đến thực trạng kháng cáo, khiếu nại, tố cáo kéo dài trong lĩnh vực tư pháp.


Khắc phục khiếm khuyết này, Luật HN-GĐ năm 2014 đã bổ sung xét yếu tố lỗi của các bên trong phân chia tài sản chung giữa vợ chồng khi ly hôn (khoản 2 Điều 59). Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.


Khi luật này có hiệu lực, Tòa án sẽ xem xét yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng để ra phán quyết phân chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn. Điều này có nghĩa, những người có lỗi dẫn đến tình trạng hôn nhân bị xấu đi, khi ly hôn phải chịu trách nhiệm thông qua việc chia tài sản chung. Để áp dụng pháp luật thống nhất, Tòa án nhân dân Tối cao là cơ quan có trách nhiệm chủ trì phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn điều này.


Luật HN-GĐ 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 và thay thế Luật HN-GĐ  năm 2000.

 
Luật sư Nguyễn Hồng Hà