10:04, 21/04/2014

Có thể đòi lại nhà khi đang định cư ở nước ngoài?

Tôi có nhà đất tại thành phố, có giấy tờ mua bán trước năm 1970. Năm 1982, tôi sang Hoa Kỳ định cư. Khi đi, tôi giao nhà cho con gái tôi đang ở tại nhà này sử dụng, việc này chỉ thực hiện bằng miệng, không có giấy tờ, quá trình sử dụng con tôi có tu sửa thêm. Nay tôi tuổi cao, muốn về lại quê hương sinh sống, tôi ngỏ ý lấy lại nhà nhưng con tôi tỏ ra không thuận. Xin hỏi, trong trường hợp đó tôi có thể lấy lại nhà được không?


Đỗ Trọng Bình (Cam Ranh)

Hỏi: Tôi có nhà đất tại thành phố, có giấy tờ mua bán trước năm 1970. Năm 1982, tôi sang Hoa Kỳ định cư. Khi đi, tôi giao nhà cho con gái tôi đang ở tại nhà này sử dụng, việc này chỉ thực hiện bằng miệng, không có giấy tờ, quá trình sử dụng con tôi có tu sửa thêm. Nay tôi tuổi cao, muốn về lại quê hương sinh sống, tôi ngỏ ý lấy lại nhà nhưng con tôi tỏ ra không thuận. Xin hỏi, trong trường hợp đó tôi có thể lấy lại nhà được không?


Đỗ Trọng Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa)


Ý kiến tư vấn: Nhà ở do ông mua, có giấy tờ xác nhận của chính quyền Sài Gòn là tài liệu chứng minh chủ sở hữu tài sản của ông. Khi ông đi ra nước ngoài, con gái ông là người được ông giao quản lý, sử dụng nhà vẫn tiếp tục ở tại nhà đó và đã thực hiện kê khai đăng ký nhà đất theo chủ trương của Nhà nước. Thời gian ông ra nước ngoài sinh sống, nhà đất của ông Nhà nước không thực hiện việc quản lý trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991. Con gái ông trực tiếp quản lý, sử dụng nhà này chỉ với tư cách là người ở nhờ, vì không có giấy tờ chứng minh việc người con ở tại nhà ở đó là theo quan hệ mua bán, thuê, đổi, tặng cho, thừa kế nhà ở, ủy quyền quản lý nhà ở.


Quan điểm của Nhà nước trong việc giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài thể hiện trong Nghị quyết số 1037/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà ở; quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch; lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và khuyến khích, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch dân sự...


Trên tinh thần đó, ông có thể thuyết phục con gái ông và nhờ chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân có ý kiến hòa giải để con gái trả lại nhà. Trong trường hợp không thể hòa giải được, ông cần làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh để được giải quyết. Khi giải quyết vụ án, tòa án sẽ tính toán phần giá trị tài sản người con đã đầu tư vào nhà ở đó và công sức đóng góp trong việc giữ gìn, bảo quản nhà để yêu cầu ông thanh toán lại.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng