11:02, 25/02/2014

Phạm vi hòa giải ở cơ sở của tổ hòa giải

Một người trong thôn vốn có xích mích với chồng tôi từ trước. Trong một lần đi ăn đám giỗ, hai bên lời qua tiếng lại rồi ẩu đả nhau khiến mâu thuẫn tăng thêm. Tôi và chồng tôi có nhờ tổ hòa giải giúp can thiệp nhưng phía bên kia không đồng ý, cho rằng tổ hòa giải không có quyền về việc này, mà phải yêu cầu công an giải quyết. Tôi thấy sự việc cũng không có gì to tát, không rõ chức năng của hòa giải ở thôn có giải quyết việc này?


 

- Hỏi: Một người trong thôn vốn có xích mích với chồng tôi từ trước. Trong một lần đi ăn đám giỗ, hai bên lời qua tiếng lại rồi ẩu đả nhau khiến mâu thuẫn tăng thêm. Tôi và chồng tôi có nhờ tổ hòa giải giúp can thiệp nhưng phía bên kia không đồng ý, cho rằng tổ hòa giải không có quyền về việc này, mà phải yêu cầu công an giải quyết. Tôi thấy sự việc cũng không có gì to tát, không rõ chức năng của hòa giải ở thôn có giải quyết việc này?


Phạm Hoài An (Cam Lâm, Khánh Hòa)


- Trả lời: Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở phải tôn trọng các nguyên tắc sau đây:


1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.


2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.


3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp sự việc phải thông báo cho người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.


4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.


5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.


6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.


Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; các mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.


Trên tinh thần Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở, trong trường hợp chị nêu, hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức phải xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự nên tổ hòa giải tham gia giải quyết là phù hợp.


Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG