Cô tôi có một căn nhà, hiện cô đang sống với con trai duy nhất và 2 người cháu (gọi là cô ruột). Cô nay đã già nên muốn khi mất đi thì để lại căn nhà cho người con trai nhưng lại muốn bảo đảm cho các cháu có chỗ ở.
- Hỏi: Cô tôi có một căn nhà, hiện cô đang sống với con trai duy nhất và 2 người cháu (gọi là cô ruột). Cô nay đã già nên muốn khi mất đi thì để lại căn nhà cho người con trai nhưng lại muốn bảo đảm cho các cháu có chỗ ở. Vì thế cô lập di chúc với nội dung sẽ để lại căn nhà cho con đứng tên nhưng nếu người con muốn bán nhà thì phải được sự đồng ý của các cháu. Xin hỏi như vậy có được không?
Nguyễn Thị Pho (Nha Trang)
- Trả lời: Theo quy định pháp luật dân sự, người viết di chúc có quyền tự do định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên trong trường hợp, tài sản nhà đất sẽ cho con trai được quyền sở hữu nhưng lại hạn chế quyền định đoạt của người này thì đây là một dạng di chúc có điều kiện. Tuy nhiên, pháp luật dân sự chưa điều chỉnh các dạng di chúc có điều kiện. Thông thường, chỉ có những điều kiện nào phù hợp với quy định pháp luật thì được chấp nhận và thực hiện, còn ngược lại thì sẽ rất khó. Căn cứ vào các quy định pháp luật, việc quy định điều kiện hạn chế quyền định đoạt là rất khó thực hiện bởi theo quy định về pháp luật đất đai, khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho công dân thì người này có đầy đủ các quyền sử dụng và định đoạt (sang nhượng, cầm cố, thế chấp, cho, tặng...) mà không phụ thuộc vào điều kiện trong di chúc. Do đó, nếu di chúc cho người con trai được đứng tên trên các giấy tờ nhà đất thì người này sẽ được tự do định đoạt mà không cần phải có ý kiến của các người cháu.
Vì thế, để thực hiện được ý định của mình, cô của bà cần có một nội dung di chúc thể hiện đúng ý chí của mình hơn và quan trọng là phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Bà có thể liên hệ các văn phòng luật sư để được tư vấn rõ hơn.
Luật gia MINH HƯƠNG