Theo bản án có hiệu lực và quyết định thi hành án dân sự, ông A. có nghĩa vụ thanh toán cho tôi số tiền 500 triệu đồng. Trong quá trình thi hành án, ông A. chết có để lại tài sản. Trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ hay tiếp tục giải quyết, ai có nghĩa vụ thi hành?
- Hỏi: Theo bản án có hiệu lực và quyết định thi hành án dân sự, ông A. có nghĩa vụ thanh toán cho tôi số tiền 500 triệu đồng. Trong quá trình thi hành án, ông A. chết có để lại tài sản. Trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đình chỉ hay tiếp tục giải quyết, ai có nghĩa vụ thi hành?
Võ Văn K. (Nha Trang)
- Trả lời: Trường hợp ông A. là người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì không thuộc trường hợp đình chỉ thi hành án. Trường hợp này, cơ quan THADS có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của ông A. thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản của ông A. không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án thì cơ quan THADS áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Hết thời hạn thông báo về thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế mà không có người khởi kiện thì cơ quan THADS xử lý tài sản để thi hành án. (Khoản 4 Điều 1 Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14-10-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 58/2009 ngày 13-7-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS).
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ