11:08, 25/08/2013

Sau khi ly hôn, người mẹ có được đưa con ra nước ngoài?

Chúng tôi ly hôn đã 3 năm, theo quyết định của Tòa án, tôi nuôi con chung 4 tuổi, không nhận cấp dưỡng từ cha của cháu. Nay tôi đang có ý định ra nước ngoài định cư. Xin cho biết tôi đưa cháu cùng đi thì có trở ngại?


 

- Hỏi: Chúng tôi ly hôn đã 3 năm, theo quyết định của Tòa án, tôi nuôi con chung 4 tuổi, không nhận cấp dưỡng từ cha của cháu. Nay tôi đang có ý định ra nước ngoài định cư. Xin cho biết tôi đưa cháu cùng đi thì có trở ngại?


Lại Như Thùy (Nha Trang)


- Trả lời: Sau khi ly hôn, chị đã được Tòa án giao trực tiếp nuôi con. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, cha của cháu bé không trực tiếp nuôi con, nhưng có nghĩa vụ cấp dưỡng để nuôi con, đồng thời có quyền thăm nom con. Việc chị không nhận cấp dưỡng nuôi con không làm ảnh hưởng đến quyền thăm nom con của người cha. Hơn nữa, tuy đã ly hôn nhưng mỗi người là cha, mẹ vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con cái khi chưa thành niên.


Là người trực tiếp nuôi con, chị có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một người mẹ đối với con chưa thành niên. Nếu việc thay đổi nơi cư trú để có điều kiện chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tốt hơn thì không có gì hạn chế. Pháp luật không có quy định sau khi ly hôn, người trực tiếp nuôi con chuyển nơi cư trú phải được sự đồng ý của người kia. Chị là mẹ, là người giám hộ của cháu bé, khi chị đi ra nước ngoài, việc cháu đi cùng chị là phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự về nơi cư trú và quy định của Luật Cư trú, rằng: “Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ”. Mặt khác, theo quy định tại các Nghị định số 136/2007 và 65/2012 của Chính phủ về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh thì trong trường hợp con của chị (dưới 14 tuổi), chỉ cần có ý kiến của chị làm thủ tục là cháu được cấp giấy tờ để xuất cảnh. Chính vì thế, về nguyên tắc, chị có thể đi ra nước ngoài và đưa cháu cùng đi mà không cần có sự chấp thuận của cha cháu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào pháp luật của nơi đến, để cho trẻ em định cư mà quốc gia yêu cầu phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ đứa trẻ thì phải tuân theo.


Cũng cần thấy rằng, khi người con ra nước ngoài sinh sống thì khả năng người cha sẽ khó khăn hơn trong việc thăm nom con. Bởi vậy, trong trường hợp người cha nhận thấy quyền của mình bị ảnh hưởng, hoặc vì các lẽ khác, thì vẫn có quyền can thiệp bằng việc yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên. Tòa án sẽ trên cơ sở vì lợi ích của người con để quyết định.


Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG