Theo di chúc chung của cha mẹ tôi để lại, hai anh em tôi được thừa kế chung tài sản là nhà đất do ông bà đứng tên tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Tôi muốn nhường phần của mình cho cậu em trai để lo việc thờ cúng cha mẹ vì tôi lấy chồng xa và đã có nhà ở. Vậy tôi cần làm những thủ tục gì?
- Hỏi: Theo di chúc chung của cha mẹ tôi để lại, hai anh em tôi được thừa kế chung tài sản là nhà đất do ông bà đứng tên tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Tôi muốn nhường phần của mình cho cậu em trai để lo việc thờ cúng cha mẹ vì tôi lấy chồng xa và đã có nhà ở. Vậy tôi cần làm những thủ tục gì?
Trần Vy Linh (Khánh Sơn)
- Trả lời: Theo các Điều 681, 684 Bộ Luật Dân sự, quy định những người thừa kế sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố thì có thể họp mặt để thỏa thuận các việc có liên quan đến phân chia di sản. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc. Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, trong trường hợp này pháp luật về thừa kế đã cho phép những người thừa kế tự thỏa thuận với nhau trong việc phân chia di sản.
Điều 49 của Luật Công chứng quy định: Những người thừa kế theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.
Với những quy định trên, trong trường hợp bạn muốn nhường phần tài sản của mình được hưởng cho em trai thì cần thể hiện nội dung đó trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản là nhà ở cho người em của bạn.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG