Tôi có nhà ở, mua bán chỉ bằng giấy viết tay, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nay do tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, tôi muốn lập di chúc để lại nhà này cho con, nhưng UBND phường lại yêu cầu phải có Giấy chứng nhận thì mới ký chứng thực di chúc. Xin hỏi, tôi phải làm thế nào?
- Hỏi: Tôi có nhà ở, mua bán chỉ bằng giấy viết tay, chưa được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu. Nay do tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, tôi muốn lập di chúc để lại nhà này cho con, nhưng UBND phường lại yêu cầu phải có GCN thì mới ký chứng thực di chúc. Xin hỏi, tôi phải làm thế nào?
Hoàng Đình Tuy (Ninh Hòa, Khánh Hòa)
- Trả lời: Nhà ở thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Pháp luật về nhà ở quy định các giao dịch về nhà ở, trong đó có việc thừa kế, thì nhà ở đó phải có GCN quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Luật Công chứng năm 2006 quy định về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, theo đó để được công chứng di chúc, người yêu cầu công chứng phải nộp bộ hồ sơ, trong đó có bản sao GCN quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp di chúc có liên quan đến tài sản đó. Trường hợp của ông, do nhà ở chưa được cấp GCN nên UBND phường không thể thực hiện việc chứng thực di chúc cho ông.
Bộ Luật Dân sự có các quy định về việc lập di chúc. Cụ thể, về hình thức, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Với di chúc bằng văn bản, bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực. Nói chung, việc quy định này nhằm bảo đảm di chúc thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản mà thôi. Ông có thể tham khảo các quy định trên để thực hiện ý chí của mình.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG