10:03, 17/03/2013

Làm gì khi chồng không gửi tiền trợ cấp cho con

Bản án của Tòa án giao cho tôi nuôi hai con (8 tuổi và 3 tuổi), cha của các cháu cấp dưỡng mỗi tháng 800.000 đồng. Thời gian đầu sau khi ly hôn, anh ấy vẫn gửi tiền đều đặn nhưng sang năm 2013, anh không gửi tiền nữa

 

- Hỏi: Bản án của Tòa án giao cho tôi nuôi hai con (8 tuổi và 3 tuổi), cha của các cháu cấp dưỡng mỗi tháng 800.000 đồng. Thời gian đầu sau khi ly hôn, anh ấy vẫn gửi tiền đều đặn nhưng sang năm 2013, anh không gửi tiền nữa. Hiện nay, anh ấy vẫn đi làm, có lương, không phải khó khăn lắm. Tôi có thể yêu cầu Tòa án can thiệp việc này được không?

Trần Minh Hòa (Vạn Ninh, Khánh Hòa)

- Trả lời: Tòa án không giải quyết việc của chị, mà cơ quan Thi hành án dân sự mới có thẩm quyền giải quyết. Theo Luật Thi hành án dân sự, một người phải thi hành án đang có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm:

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Chấp hành viên sẽ căn cứ vào nội dung bản án và thực tế vụ việc để lựa chọn việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thích hợp. Đối với việc thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ thì chấp hành viên sẽ ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Thu nhập của người phải thi hành án bao gồm: tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với thu nhập khác, mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện việc trừ vào thu nhập.

Từ những quy định đó, chị có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự của huyện nơi có Tòa án đã ra bản án sơ thẩm đó để được xem xét giải quyết.

Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG