12:01, 16/01/2013

Bộ Tư pháp trả lời về mẫu giấy khai sinh mới

 

Bộ Tư pháp cho biết, sắp tới sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn chung về những trường hợp không cần phải có chữ ký của cha, mẹ trong Tờ khai đăng ký khai sinh.

 

Bộ Tư pháp cho biết, sắp tới sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn chung về những trường hợp không cần phải có chữ ký của cha, mẹ trong Tờ khai đăng ký khai sinh.


Ông Nguyễn Văn Hinh (tuphapmeovac@...) hỏi: "Từ năm 2006 đến nay đã thay đổi 3 lần mẫu Giấy khai sinh nhưng tôi thấy mẫu Giấy khai sinh theo Nghị định 83/1998/NĐ-CP vẫn là chuẩn nhất, đầy đủ nhất. Còn Giấy khai sinh hiện nay theo Thông tư 08.a/2010/TT-BTP thông tin cũng đủ nhưng không đẹp, phần ký Giấy khai sinh ghi "Người ký Giấy khai sinh" xem ra chưa phù hợp bởi chỉ có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã... mới có thẩm quyền ký. Hiện nay, ở cấp xã phải đóng thêm dấu "TM. ỦY BAN NHÂN DÂN - CHỦ TỊCH". Tôi mong Bộ Tư pháp tới đây cho quay lại mẫu theo Nghị định 83/1998/NĐ-CP hay mẫu theo Quyết định 01/2006/QĐ-BTP để cấp xã thuận lợi trong công tác đăng ký quản lý hộ tịch".

Bộ Tư pháp trả lời công dân: Trên cơ sở mục tiêu và yêu cầu trong cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân trong đăng ký hộ tịch, ngày 18/12/2009, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3924/QĐ-BTP về việc phê duyệt Đề án “Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch và phân cấp việc in, phát hành sổ, biểu mẫu hộ tịch”.

Theo đó, mẫu bản chính Giấy khai sinh hiện nay được thiết kế để sử dụng cho cả các trường hợp đăng ký khai sinh trong nước và đăng ký khai sinh tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, do đó, tại phần người ký chỉ ghi chung là “Người ký Giấy khai sinh” để đại diện lãnh đạo UBND cấp xã hoặc Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký.

Ông Nguyễn Văn Linh (vanlinh882@...) hỏi: "Tờ khai đăng ký khai sinh có thêm phần chữ ký của cha và mẹ nên rất nhiều cháu chưa được đăng ký khai sinh. Đề nghị Bộ Tư pháp có phương án giải quyết kịp thời".

Bộ Tư pháp trả lời công dân: Phản ánh của độc giả là chính xác. Thực tiễn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đã phát sinh nhiều vướng mắc và không phải trường hợp nào cũng nhất thiết có chữ ký của cha và mẹ.

Tuy nhiên, quy định này xuất phát từ thực tế trước đây do không có sự thỏa thuận của cha mẹ về những nội dung khai sinh (đặc biệt là những trường hợp người đi khai sinh không phải là cha, mẹ) đã dẫn đến việc đặt họ tên hay xác định dân tộc cho con không đúng với mong muốn của cha mẹ, từ đó phải làm thủ tục thay đổi họ tên hay xác định lại dân tộc. Do đó, mẫu Tờ khai đăng ký khai sinh ban hành kèm theo Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 25/3/2012 có phần chữ ký của người cha và người mẹ nhằm thể hiện việc cả cha và mẹ đã thống nhất thoả thuận về những nội dung khai sinh cho con.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn chung về những trường hợp không cần phải có chữ ký của cha, mẹ trong Tờ khai đăng ký khai sinh.

Theo CP