- Hỏi: Năm 2009, cha mẹ tôi chia cho các con nhà đất để sống riêng. Tôi được cho một miếng đất sát nhà ông bà. Vợ chồng tôi đã làm nhà và ở ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên, trong thời gian sinh sống, chồng tôi thường xuyên mâu thuẫn với bố vợ.
- Hỏi: Năm 2009, cha mẹ tôi chia cho các con nhà đất để sống riêng. Tôi được cho một miếng đất sát nhà ông bà. Vợ chồng tôi đã làm nhà và ở ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên, trong thời gian sinh sống, chồng tôi thường xuyên mâu thuẫn với bố vợ. Cha mẹ tôi, nghe theo lời các anh em, đã từ vợ chồng tôi và định đòi lại phần đất đã chia cho tôi. Xin hỏi, nếu bị đòi thì vợ chồng tôi có phải trả không?
Đinh Thị Hồng (Diên Đồng, Diên Khánh, Khánh Hòa)
- Trả lời: Theo Điều 248 Bộ Luật Dân sự, khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để lại thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.
Trường hợp bà hỏi, cần xác định việc cho tặng đã được ghi nhận bằng các văn bản có giá trị pháp lý chưa. Nếu việc cho tặng quyền sử dụng đất đã được lập thành văn bản, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, vợ chồng bà đã được UBND huyện Diên Khánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cha mẹ bà không còn quyền sử dụng đất đối với lô đất nói trên, do đó, không thể đòi lại đất.
Trong trường hợp 2 bên chỉ nói miệng với nhau mà chưa tiến hành các thủ tục để xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho bà thì về mặt pháp lý, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về cha mẹ bà và họ vẫn có quyền đòi lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cũng cần xem xét sự đóng góp của các bên, quá trình sử dụng đất như thế nào để có thỏa thuận hợp lý.
Luật gia MINH HƯƠNG