10:01, 06/01/2023

Bài học đắt giá

Tại phiên tòa phúc thẩm, ban đầu, 3 trong 8 bị cáo có kháng cáo vẫn cho rằng, có nợ thì phải đòi, họ làm căng cũng vì mong đòi được nợ, chứ không nghĩ lại phạm tội cướp tài sản. Sau đó, các bị cáo mới ngậm ngùi thừa nhận, họ đã chọn sai cách hành xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ban đầu, 3 trong 8 bị cáo có kháng cáo vẫn cho rằng, có nợ thì phải đòi, họ làm căng cũng vì mong đòi được nợ, chứ không nghĩ lại phạm tội cướp tài sản. Sau đó, các bị cáo mới ngậm ngùi thừa nhận, họ đã chọn sai cách hành xử.


Vụ án xuất phát từ một món nợ có thật. Trước đây, khi sống ở tỉnh Lào Cai, bị cáo N.T.M (sinh năm 1960) đã cho chị P.T.Q.N vay 100 triệu đồng, nhưng chị N. bỏ vào TP. Nha Trang mà không trả nợ. Bị cáo M. và con dâu N.T.L (sinh năm 1990) đã tìm được địa chỉ của chị N. thông qua mạng xã hội. Lo mất tiền, bị cáo L. đã nhờ người đi đòi giùm và chấp nhận ăn chia theo tỷ lệ 4/6 nếu đòi được nợ; không đòi được cũng chi bồi dưỡng. Cả nhóm đến gặp chị N. đã đánh, uy hiếp, chiếm đoạt của chị nhiều tài sản với tổng trị giá hơn 78 triệu đồng. Sau khi lấy tài sản, cả nhóm còn đe dọa, bắt ép chị N. viết 2 tờ giấy xác nhận nợ, gồm khoản nợ 100 triệu đồng của bị cáo M. và khoản nợ 100 triệu đồng của một người dân khác (trước đó chị N. đã ghi giấy nợ số tiền này); còn đe dọa muốn làm ăn yên ổn thì viết giấy hẹn trả nợ hàng tháng, dọa “kê biên” tài sản, giả vờ điện thoại gọi xe bán tải tới chở đồ. Chưa hết, biết chị N. còn chiếc xe máy gửi dưới tầng hầm chung cư, nhóm đối tượng còn buộc chị N. phải viết giấy sang nhượng xe máy với giá 30 triệu đồng...


Hội đồng xét xử đã xem xét việc mẹ con bị cáo M. ra đầu thú; đã bồi thường tiếp cho bị hại; bị cáo M. đang điều trị bệnh; gia đình bị cáo L. có công với cách mạng, cũng như ghi nhận nguyên nhân phạm tội xuất phát từ chuyện đi tìm bị hại đòi nợ, từ đó chấp nhận giảm án cho các bị cáo. Nhưng đó vẫn là bài học đắt cho các bị cáo. Tâm lý bức xúc, lo lắng không đòi được nợ là có thật, nhưng họ vẫn cần tỉnh táo chọn cách đòi nợ hợp pháp, như làm đơn tố cáo chị N. trốn nợ, kiện đòi nợ… Đáng tiếc, họ lại chọn cách hành xử vi phạm pháp luật. Sau khi chiếm đoạt tài sản, trước khi ra về, L. còn nói người đòi nợ thuê vào gặp bảo vệ chung cư xin xóa đoạn camera ghi hình để tránh bị phát hiện nhưng không được. Còn M. viết tờ giấy ủy quyền để người đòi nợ có thể thay M. đi đòi nợ chị N. hàng tháng 10 triệu đồng. Nợ chưa đòi được, mẹ con bị cáo M. đã phải trả công cho nhóm đòi nợ 2 lần hết cả thảy 20 triệu đồng; phải bồi thường cho bị hại, là con nợ của mình; mỗi bị cáo còn phải chịu mức án 7 năm tù.


TAM THUẬT