Phiên tòa cuối tháng 7 xét xử bị cáo L.P (sinh năm 1973, thường trú xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) là minh chứng cho câu nói "Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát".
Phiên tòa cuối tháng 7 xét xử bị cáo L.P (sinh năm 1973, thường trú xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) là minh chứng cho câu nói “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát”.
28 năm trước, P. tới chơi với 2 bạn cùng thôn và được họ kể chuyện đang mâu thuẫn với bị hại, là một thanh niên khác thôn, thường qua quậy phá, khiêu khích. P. bèn rủ cả hai đi gặp nói chuyện. Trên đường đi, cả nhóm ghé nhà bạn chơi và được chủ nhà gọt xoài mời ăn. Ăn xong, P. giấu con dao vào túi quần. Sau đó, cả nhóm gặp cha của bị hại và thông báo chuyện con ông hay quậy phá, rồi ra về. Trên đường về, bất ngờ bị hại từ bụi cây xông ra, dùng cây gỗ đánh, 2 người bạn của P. bỏ chạy. Bị hại tiếp tục đánh P. thì bị P. rút dao đâm, khiến bị hại tử vong. Nghe tin bị hại chết, P. bỏ trốn lên tỉnh Đắk Lắk, thay tên đổi họ, lấy vợ, sinh con, cắt liên lạc với gia đình, người thân. Gần 30 năm trời, tất cả mọi người không chút nghi ngờ P. với danh nghĩa mới…
Tại tòa, 2 người bạn năm xưa xác nhận, sau khi rời nhà bạn, P. có chìa dao cho xem, họ thấy quá nguy hiểm nên nói P. cất dao đi, chẳng hề nghĩ chuyện P. có thể đâm người. Khi bị đánh bất ngờ, họ cũng không dừng lại chống trả, chỉ cố đạp xe thật nhanh để chạy thoát. Họ không chứng kiến P. đi sau ra sao. Còn bị cáo P. cố giải thích, sau khi bị đánh ngã, bị cáo rút dao quơ trúng nhưng nghĩ rằng không sao, vì còn thấy bị hại đuổi theo, không thấy bị hại chảy máu; chạy thoát xong có thấy máu ở tay nhưng nghĩ do bị đánh vào người nên thương tích… Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo P. xin lỗi gia đình bị hại, mong được tha thứ, được họ xin giảm án để sớm về với gia đình.
Các lời khai của P. đều bị tòa bác bỏ vì không phù hợp. Nhưng lời khai và cả lời xin lỗi của P. đã khiến gia đình bị hại bức xúc, cho rằng P. chưa hối cải. Chị gái bị hại nói, khi chuyện vừa xảy ra, nếu P. tới xin lỗi thì dù đau đớn bao nhiêu, gia đình vẫn có thể tha thứ. Nhưng gần 30 năm đã qua, kể từ khi em chị tử vong, cha chị kiên trì gửi đơn xin đòi lại công lý cho con, nhưng tận đến khi ông mất vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Khi tìm ra P. thì mẹ chị cũng quá già yếu, không thể tới tận tòa. Mấy chục năm trời trốn biệt, giờ xin lỗi liệu có khuây khỏa được người đã khuất? Cho dù phải chấp hành án, hôm nay bị cáo vẫn còn được thấy mặt người thân; chấp hành án xong sẽ về đoàn tụ gia đình, còn em chị thì đã vĩnh viễn chia tay người thân từ năm 20 tuổi! Nghe vậy, bị cáo chỉ biết cúi đầu.
Còn nhớ, khi cảnh sát bảo vệ vừa áp giải bị cáo vào, người thân khóc nức, ời ời gọi tên P. Họ bảo, đã tưởng em không còn nữa, giờ đột nhiên được thấy mặt sau mấy chục năm, thương quá. Thấy người thân khóc, P. cũng ngậm ngùi. Một người thấy vậy thở dài: Bị cáo làm khổ biết bao người khi bỏ trốn chừng ấy năm. Cả hệ thống cơ quan được huy động đi truy tìm bị cáo; gia đình nháo nhác vì mất liên lạc. Ngay cả vợ con của bị cáo cũng bị ảnh hưởng, bởi vợ P. đã đăng ký kết hôn với một người có họ tên hoàn toàn khác với P.; giấy khai sinh của 3 đứa sẽ phải cải chính phần họ tên người cha với lý do gì?...
Lưới trời lồng lộng, cuối cùng bị cáo P. đã phải đền tội. Nhưng những hậu quả khôn lường của việc bỏ trốn chắc chắn còn đeo đuổi dằn vặt bị cáo trong 19 năm tù.
TAM THUẬT