Giờ khai mạc phiên tòa, bị cáo Đ.H.T (sinh năm 1985, trú thị xã Ninh Hòa) được vợ cầm tay dắt tới bục khai báo. Cha của T. cũng được mẹ T. dắt tay dẫn vào chỗ ngồi dự. Bị cáo T. và cha đều khiếm thị.
Giờ khai mạc phiên tòa, bị cáo Đ.H.T (sinh năm 1985, trú thị xã Ninh Hòa) được vợ cầm tay dắt tới bục khai báo. Cha của T. cũng được mẹ T. dắt tay dẫn vào chỗ ngồi dự. Bị cáo T. và cha đều khiếm thị.
Trước tòa, bị cáo trình bày, chiều đó, bị hại đến quán T. ăn uống rồi chửi, đòi đánh chỉ vì nhân viên chậm phục vụ bia. T. vội ra xin lỗi thay, không ngờ lại bị đấm vào mắt phải, trong khi bị hại biết rõ bị cáo khuyết tật từ nhỏ. Trước đó, bị cáo đã mổ mắt trái nhưng không thành công, con mắt này không nhìn được, mắt phải còn thấy lờ mờ thì lại bị đấm. Chính vì vậy, T. rất ức, vào bếp lấy dao ra chém, trúng đầu bị hại, gây thương tích 30%. Ngay tối đó, T. ra trình diện. Sau này, con mắt bị đấm cũng không thấy đường nữa. T. vào TP. Hồ Chí Minh khám thì bác sĩ nói không chữa được, xác định sống chung với bóng tối cả đời…
Vợ T. phân trần, bên đằng chồng hình như bị di truyền bệnh về mắt. Cha chồng chị bị mù. Hồi mới cưới, thị lực của chồng chị 1/10, sau khi mổ mắt trái không thành công, con mắt này bỏ hẳn. Mắt phải sau khi bị đấm cũng không nhìn thấy gì nữa. Thị lực của đứa con cũng yếu dần; học đến lớp 3 phải đi mổ mắt. Cũng may, ca mổ thành công, giữ được thị lực 3/10 cho cháu. Hiện tại, cả chồng và cha chồng chị đều được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật đặc biệt nặng; gia đình chị cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với mỗi người. T. có tay nghề nấu ăn, nhưng mắt kém, nên mở quán chỉ đứng nấu, vợ quán xuyến hết. Sau khi vụ án xảy ra, gia đình phải sang nhượng quán và xe để bồi thường toàn bộ cho bị hại.
Vị luật sư trăn trở, dẫu biết trường hợp bị cáo không đáp ứng các điều kiện về hưởng án treo, nhưng ông vẫn đề nghị tòa cho bị cáo hưởng án treo. Cơ quan giám định đã có công văn phúc đáp xác định, 2 mắt của bị cáo T. được xem là mù vĩnh viễn, không có khả năng chữa trị, phục hồi. Trong vụ án này, bị hại cũng có phần lỗi. Ngay sau khi vụ án xảy ra, khi T. đang làm việc tại cơ quan công an, người nhà của bị hại còn đến quán T. đập phá. Vụ này đã được công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra dấu hiệu tội hủy hoại tài sản.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử không thể tuyên bản án trái quy định của pháp luật. Phiên tòa kết thúc, vị luật sư lo lắng: Cơ quan chức năng đã kết luận mức độ khuyết tật của bị cáo; Nhà nước còn cho bị cáo hưởng chế độ có người chăm sóc. Với mức án 4 năm tù về tội giết người, nếu thực hiện đúng chính sách đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, bị cáo đi chấp hành án cũng cần có người theo chăm sóc. Vì vậy, ông vẫn đề xuất án treo với hi vọng từ đây sẽ có án lệ cho các trường hợp tương tự. Vị đại diện viện kiểm sát nhìn nhận, trường hợp bị cáo T. quá đặc biệt. Tuy không thể tuyên án tù treo, nhưng khi chuyển sang giai đoạn thi hành án, có thể đề nghị lập hội đồng giám định y khoa, xác định bị cáo có đủ điều kiện thi hành án hay không để cân nhắc giải quyết.
TAM THUẬT