Bị cáo N.Q.T (sinh năm 2001, trú TP. Nha Trang) còn trẻ, vẻ ngoài sáng sủa, hiền lành. Ra tòa với tội danh cố ý gây thương tích nhưng bị cáo vẫn khiến người dự phiên tòa ít nhiều cảm thông.
Bị cáo N.Q.T (sinh năm 2001, trú TP. Nha Trang) còn trẻ, vẻ ngoài sáng sủa, hiền lành. Ra tòa với tội danh cố ý gây thương tích nhưng bị cáo vẫn khiến người dự phiên tòa ít nhiều cảm thông.
Cũng như ở phiên sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm, T. tiếp tục nhận một mình đánh bị hại, gây thương tích 66%. T. khai nhận, khoảng 22 giờ, thấy bị hại đang dựa vào xe máy của gia đình dựng trước nhà, đội mũ bảo hiểm treo trên xe, nghĩ bị hại có ý định trộm xe, T. vội tri hô. Bị hại làm đổ xe và bỏ đi, T. chạy theo đòi mũ. Bị hại đánh ngược tay về phía sau, T. đỡ được và đánh lại bằng tay vào vùng tai phải, làm bị hại ngã ngồi. Thấy bị hại chuẩn bị ngồi dậy, T. đá tiếp vào vùng đầu bên phải bị hại thì mẹ T. tới can ngăn, kéo về. Khi đóng cửa, T. không thấy bị hại ngoài đường nên nghĩ bị hại đã bỏ đi. Sáng hôm sau, người dân phát hiện bị hại nằm ngất cách vị trí bị đánh mấy căn nhà.
Tuy bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình và hậu quả thương tích của bị hại, nhưng theo quy định, lời khai nhận này không thể là căn cứ duy nhất để buộc tội. Vẫn còn nhiều điểm chưa rõ trong vụ án. Ví dụ, bị cáo mới điều trị gãy tay, chân bị gout, liệu có thể tấn công gây thương tích 66% cho bị hại? Bị hại khai bị nhiều người đánh, nhưng không mô tả được ai khác. Bị hại bị đánh từ đêm, sáng hôm sau được phát hiện ở vị trí khác, mặc quần áo khác... Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm cho rằng, hành vi gây thương tích của bị cáo không tương xứng với hậu quả xảy ra, mâu thuẫn với tài liệu, chứng cứ khác nên tuyên hủy bản án sơ thẩm. Vụ án sẽ được điều tra, xét xử lại, nhưng phiên tòa phúc thẩm khiến người dự không thể không nghĩ về hai bên.
T. luôn thừa nhận đã đánh bị hại, gây ra tỷ lệ thương tích rất cao nhưng chỉ băn khoăn, vì sao khi bị nghi ngờ trộm cắp, tri hô, bị hại không giải thích mà lập tức đẩy đổ xe, bỏ chạy? T. có phản ứng tri hô, đuổi đánh trộm vì nhà T. từng vài lần bị trộm. Hơn 1 tháng trước khi xảy ra vụ án, trong khi bảo vệ tài sản gia đình, T. còn bị kẻ trộm đánh gãy tay. Tuy nhiên, bị cáo biết đánh người là sai nên không kháng cáo, chấp nhận mức án 5 năm tù và bồi thường bước đầu 45 triệu đồng cho bị hại. Mẹ bị cáo cũng trần tình, lúc ra can, thấy bị hại còn chửi bới, người bay hơi men nên chỉ kéo con về, không nghĩ con gây ra thương tích. Giờ, bà cũng chỉ biết động viên con: “Mình có đánh thì có nhận, cứ chịu án rồi về đi làm bồi thường cho bị hại”.
Kháng cáo đòi đổi tội danh giết người, xem xét việc bỏ lọt người phạm tội và tăng hình phạt nhưng tại tòa, phía bị hại lại quyết liệt theo hướng: Nếu T. bồi thường đủ 400 triệu đồng như thỏa thuận thì sẽ đề nghị tòa y án, nếu không, sẽ đề nghị tăng án!
T. vừa khóc vừa nói, bị cáo vẫn đồng ý bồi thường 400 triệu đồng như phía bị hại yêu cầu nhưng cho bị cáo được trả dần, làm ra bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu vì bị cáo còn đi học, chưa có tài sản; khoản bồi thường trước đó còn vay chưa trả được. Nhà bị cáo giờ cũng rất khổ: Cha đau yếu, em suy thận, gia đình chỉ còn căn nhà, nhưng bán đi thì biết ở đâu? Bị cáo đẩy cả nhà ra đường sẽ thêm tội bất hiếu… Nghe T. nói đến đây, cha và mẹ T. cùng khóc. Bất ngờ, T. quỳ thụp xuống, hướng về mẹ con bị hại lạy và nói trong nước mắt: “Con xin lỗi cô, cô để con đi chấp hành án rồi từ từ con làm con trả! Xin cô đừng ép con quá!”.
TAM THUẬT