11:12, 11/12/2020

Biết điều

Vụ án cướp tài sản xảy ra tại Nha Trang có phần hơi khác lạ. Bị cáo N.T.T (sinh năm 1989, trú Nha Trang) không hung hăng như thường thấy ở kẻ cướp. Còn nạn nhân, thay vì sốt sắng vạch mặt kẻ cướp cho bõ tức thì lại vắng mặt! Đã vậy, người này còn gửi liên tiếp 2 đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo.

Vụ án cướp tài sản xảy ra tại Nha Trang có phần hơi khác lạ. Bị cáo N.T.T (sinh năm 1989, trú Nha Trang) không hung hăng như thường thấy ở kẻ cướp. Còn nạn nhân, thay vì sốt sắng vạch mặt kẻ cướp cho bõ tức thì lại vắng mặt! Đã vậy, người này còn gửi liên tiếp 2 đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo.


Vụ cướp xảy ra hết sức chóng vánh, bị cáo T. không có chuẩn bị. Mấy năm trước, do là hàng xóm thân thiết nên vợ chồng T. cho bị hại vay 50 triệu đồng không tính lãi để làm ăn. Nhưng sau khi ly hôn, bị hại chuyển đi nơi khác sinh sống mà chẳng hề khất nợ với vợ chồng T. Sáng đó, vợ chồng T. đang chở nhau đi trên đường thì phát hiện bị hại cũng đi đường này theo chiều ngược lại. T. lập tức quay xe đuổi theo, nhưng bị hại không dừng lại. T. áp sát, làm xe bị hại đổ xuống đường. Sợ bị hại đi mất, T. rút chìa khóa xe máy của bị hại và nhắc lại món nợ. Hai bên không thống nhất được việc trả nợ và cãi cọ. T. dùng tay đánh bị hại nhiều cái. Bị hại cũng nhặt cục đá chống trả. Cuộc ẩu đả chỉ dừng khi có người dân can ngăn. Bức xúc vì bị hại không chịu trả nợ, T. lên xe máy của chị này phóng đi. Vợ T. cũng vội chạy xe về chợ bán hàng.


Bị cáo T. trình bày thêm, 50 triệu đồng có thể không lớn với một số người, nhưng với vợ chồng bị cáo, ngày ngày phải dậy từ sáng sớm đi lựa thịt heo về bán ngoài chợ, thì đó là khoản tiền lao động cóp nhặt rất đáng kể. Vậy mà bị hại vay 2 - 3 năm chưa trả. Sau khi ly hôn, bị hại bỏ đi thuê nhà ở những chỗ rất khó tìm và thường xuyên thay đổi chỗ trọ. Có lần, nghe nói bị hại thuê nhà bên đảo, vợ chồng bị cáo cũng sang mà tìm không ra. Lúc tìm được, tới thì nhà khóa cửa, điện thoại không liên lạc được. Vợ chồng bị cáo đã nghĩ đành chịu mất thì bỗng dưng gặp bị hại nên chỉ muốn giữ lại để đòi nợ. Nhưng bị hại không chịu trả, còn nói khó nghe nên bị cáo rất bực. Bị cáo lấy xe chỉ nhằm tạo áp lực buộc bị hại tới nhà giải quyết chuyện nợ nần đàng hoàng. Nếu định chiếm đoạt, bị cáo phải mang cầm, bán hoặc giấu kỹ, chứ không mang ra chợ để giữa chốn đông người.


Vị luật sư bào chữa cho bị cáo T. cho biết, T. đã không kiềm chế được cơn nóng giận của bản thân và đó chính là lý do khiến bị cáo phải ra tòa. Nhưng nếu đặt mình vào trạng thái tâm lý của vợ chồng bị cáo mới thấy vụ án xảy ra có nguyên cớ: Bao lâu tìm kiếm mà người mắc nợ vẫn biệt tăm; khi tưởng hết hy vọng thì lại thấy, nên chỉ muốn giữ cho được con nợ, hỏi cho ra lẽ. Chính bị hại cũng cảm thấy bản thân sai nên đã gửi liên tiếp 2 đơn tới tòa xin giảm hình phạt cho bị cáo. Trong đơn có ghi, chị báo công an vì tưởng bị mất xe, nếu biết T. chỉ mang xe về nhà chờ chị tới giải quyết, chị đã không trình báo. Chị cũng không muốn bị cáo phải vào tù; sự việc xảy ra cũng từ sự thất hứa của chị.


Cho dù viết đơn xin giảm hình phạt, dù đã thừa nhận bản thân thất hứa, bị hại vẫn chưa trả khoản nợ 50 triệu đồng mà chỉ hứa hẹn sẽ trả sau! Nhưng bị hại lại yêu cầu bị cáo phải bồi thường ngay 50 triệu đồng để có tiền thuốc men điều trị sau lần xô xát. Bị cáo vẫn cố vay mượn cô dì, người quen, bồi thường xong toàn bộ theo yêu cầu bị hại, bởi thấy phải có trách nhiệm với hậu quả đã gây ra. Có người cám cảnh thở dài: Tiền cho vay mất hút, thêm khoản vay nợ để bồi thường, lại lãnh 2 năm tù, đúng là “làm ơn mắc oán”! Người khác thì nói thẳng: Phạm tội thì phải chịu tội, nhưng bị hại cũng không biết điều!


TAM THUẬT