Phiên tòa xét xử vụ án yêu cầu thay đổi người nuôi con kết thúc, cô con gái lớn sung sướng sà vào lòng mẹ, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Cả người mẹ, luật sư bảo vệ quyền lợi và hội đồng xét xử cũng vô cùng phấn khởi. Luật sư chia sẻ, khi nộp đơn khởi kiện, thâm tâm ông cũng không dám tin tòa sẽ chấp nhận yêu cầu, nhưng ông vẫn nỗ lực tìm mọi chứng cứ chứng minh cháu ở với mẹ sẽ tốt hơn ở với cha; đặc biệt, hai chị em cháu không thể sống xa nhau. Và kết quả xét xử thật nhân văn cho con trẻ.
Phiên tòa xét xử vụ án yêu cầu thay đổi người nuôi con kết thúc, cô con gái lớn sung sướng sà vào lòng mẹ, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Cả người mẹ, luật sư bảo vệ quyền lợi và hội đồng xét xử cũng vô cùng phấn khởi. Luật sư chia sẻ, khi nộp đơn khởi kiện, thâm tâm ông cũng không dám tin tòa sẽ chấp nhận yêu cầu, nhưng ông vẫn nỗ lực tìm mọi chứng cứ chứng minh cháu ở với mẹ sẽ tốt hơn ở với cha; đặc biệt, hai chị em cháu không thể sống xa nhau. Và kết quả xét xử thật nhân văn cho con trẻ.
Nguyên đơn và bị đơn từng là vợ chồng, có với nhau 2 con gái, sau đó ly hôn. Theo quyết định thuận tình ly hôn, người cha nuôi con gái lớn (7 tuổi, tính đến phiên tòa này), người mẹ nuôi con gái nhỏ, kém chị 1 tuổi. Mỗi tuần, con lớn ở với cha từ thứ Hai đến thứ Năm, còn lại ở với mẹ.
Người cha cho rằng anh hoàn thành trách nhiệm nuôi con, chỉ là do bận kinh doanh, không về trưa được nên gửi cô giáo trông nom cháu việc ăn, việc học, chiều đón về. Anh không có thời gian đi đóng học phí cho con hoặc do vào ngày nghỉ nên phải nhờ mẹ cháu đóng giùm, nhưng sau đó anh đã trả lại. Hiện tại, anh mở 2 văn phòng ở Cam Lâm và Nha Trang nên đủ điều kiện kinh tế để nuôi cháu, còn mẹ cháu không đủ thu nhập nuôi con, vẫn ở cùng ông bà và đã kết hôn. Anh không đồng ý thay đổi quyền nuôi con.
Nhưng người mẹ lại nói, chồng cũ của chị rất bận rộn. Suốt 3 năm nuôi con, anh đều gửi cháu cho cô giáo lo việc học, ăn uống, ngủ trưa. Học phí của cháu đều do chị đóng. Chị cũng thường xuyên đi họp phụ huynh, nắm bắt tình hình học tập của hai con. Anh chỉ đi đón con được vài lần. Ngoài giờ học, cháu không có ai để vui chơi. Chị có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, đã mua được nhà và 2 lô đất. Chị đã nhiều lần đề nghị để chị trực tiếp nuôi cả con lớn, không yêu cầu anh cấp dưỡng mà anh không đồng ý. Điều quan trọng nhất khiến chị quyết định khởi kiện chính là chị thấy rõ mỗi lần gặp nhau, hai chị em lại quấn quít, không muốn chia tay.
Tận đến khi nghe con gái lớn hồn nhiên bày tỏ mong muốn trước tòa được sống chung với em gái, được chơi trò chơi cùng em…, người cha mới nhận ra hình như mình đã quá hơn thua mà không để ý đến tình cảm con trẻ. Vị thẩm phán phân tích, hiện nay, để một đứa trẻ phát triển tốt không chỉ là chăm lo về vật chất, tinh thần mà còn phải quan tâm đến môi trường sống, môi trường phát triển của trẻ. Cho dù nói mình làm tròn trách nhiệm, nhưng người cha không chứng minh được đã trả lại học phí cho người mẹ. Chính anh cũng xác nhận đã gửi con cho cô giáo chăm và phải thường xuyên đi lại giữa Nha Trang và Cam Lâm. Xác nhận của địa phương cho thấy, người mẹ có việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định và đang độc thân. Con gái lớn của anh chị lại bày tỏ mong muốn được ở với mẹ. Hơn nữa, cháu đang trong độ tuổi phát triển nhanh về tâm sinh lý, rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của mẹ…
Thực tiễn xét xử án hôn nhân, hội đồng xét xử thường có xu hướng “chia đều” con cho cha và mẹ như một cách phân chia trách nhiệm công bằng đối với con của cả hai. Vụ án này càng khó thay đổi bởi khi ly hôn, các bên đã tự thỏa thuận mỗi người nuôi một con. Nhưng sự có mặt của 2 cháu với những biểu hiện thương yêu nhau rất hồn nhiên, ngây thơ đã lay động niềm tin nội tâm của hội đồng xét xử. Phán quyết còn cho thấy, khi giao quyền nuôi con, tòa cũng cần chú ý đến tình cảm của con trẻ. Bởi khi cha mẹ ly hôn, mỗi cháu đều thiệt thòi vì chỉ được sống với một người. Chị em, anh em được sống cùng nhau, chơi cùng nhau, với trẻ, có lẽ là sự bù đắp đáng kể cho sự thiếu hụt đó.
TAM THUẬT