Vụ án xuất phát từ tranh chấp ranh giới đất giữa hai nông dân thuê rẫy của cùng một công ty. Khi bên bị cáo P.V.C (sinh năm 1982, trú Vạn Hưng, Vạn Ninh) đóng cọc, căng dây phân ranh giới thì bên bị hại tới nhổ cọc vì cho rằng lấn chiếm.
Vụ án xuất phát từ tranh chấp ranh giới đất giữa hai nông dân thuê rẫy của cùng một công ty. Khi bên bị cáo P.V.C (sinh năm 1982, trú Vạn Hưng, Vạn Ninh) đóng cọc, căng dây phân ranh giới thì bên bị hại tới nhổ cọc vì cho rằng lấn chiếm. Cãi qua cãi lại, một người bên bị cáo bỏ về kể cho người nhà nghe. Anh người nhà tức tốc vác dao chạy tới, gặp đúng lúc một hòn đất từ bên bị hại bay tới, đập trúng người. Tức tối, anh này xông tới; nhóm bị cáo liền theo sau… Quá trình xô xát, bị hại bị thương tích 12%, bị cáo cũng bị thương nhưng từ chối giám định nên công an chỉ xử phạt hành chính bị hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị hại tỏ ra ấm ức, đề nghị tăng bồi thường, không cho bị cáo hưởng án treo. Bị hại nhấn mạnh: Tôi thấy hoàn cảnh C. khó khăn, bản thân cũng có phần lỗi nên tự nguyện giảm 10 triệu đồng bồi thường so với yêu cầu ban đầu. Thực lòng, tôi chỉ muốn C. nhận lỗi, nhưng C. chưa hề đến nhà xin lỗi. Việc bồi thường cũng diễn ra tại cơ quan công an, cho thấy C. không tự nguyện. Sau khi xét xử, C. còn nhờ người tới hăm dọa, không cho tôi sản xuất, tiếc là tôi không có bằng chứng.
Bị cáo lại than, phía công ty đã cử người làm trung gian dẫn C. tới hòa giải, xin lỗi, nhưng bị hại không chịu tiếp, còn đòi C. phải bồi thường 40 triệu đồng và nhổ hết cọc mang về. Nhà C. khó khăn, vay mượn không được. Dù gì C. cũng bị thương tích nhưng đã từ chối giám định, không đòi bị hại bồi thường. Vả lại, mình C. chưa chắc dám đánh người nếu anh người nhà không tới đuổi chém nhóm bị hại. Việc nhổ cọc hay không phải chờ công ty chỉ rõ ranh giới, sao nói nhổ là nhổ ngay được, vì hai bên thuê đất đều chỉ ký giấy tờ, chưa được chỉ thực địa. Bắt C. nhổ cọc khác nào bảo C. lấn ranh?
Suốt phiên tòa, thẩm phán chủ tọa đã nhiều lần nhắc nhở hai bên. Theo hợp đồng, hai bên đều thuê đất 50 năm. Với chừng ấy thời gian, không chỉ bị cáo và bị hại là hàng xóm của nhau, mà đến đời con của hai bên vẫn còn làm chung một rẫy, bởi đất không thể dời đi được. Do đó, không thể hễ mâu thuẫn là đánh chém rồi đền tiền là xong. Tòa mong hai bên khắc phục mâu thuẫn, từ bỏ thói ngông cuồng tự xử lý, thông cảm với nhau! Một tiếng xin lỗi, một thái độ thành khẩn mới quan trọng.
Nghe vậy, bị cáo quay sang xin lỗi bị hại và hứa nếu bị hại yêu cầu sẽ bồi thường thêm. Nhưng bên bị hại vẫn dằn dỗi: “Giờ ra tòa mới nói xin lỗi, bồi thường! Nếu lúc trước bồi thường thì đâu phải ra tòa! Tôi kháng cáo chủ yếu vì hành vi, thái độ bị cáo, không phải vì khoản bồi thường!”. Chủ tọa ôn tồn: Vấn đề cần nhìn nhận là người ta đã thành tâm, hối cải chưa, đừng chấp nhặt hối cải khi nào! Hai bên cần nhìn thẳng vào sự thật, giữ hòa khí để canh tác chung. Lẽ ra, khi ký hợp đồng thuê, các bên phải yêu cầu chủ đất xác định ranh giới, cùng đi cắm mốc thực địa, nhưng hai bên đều không làm. Khi chưa biết rõ ranh giới, chưa biết bị cáo có lấn ranh hay không, thay vì gọi chủ đất lên xác định, hai bên lại xử lý quá nóng vội. Bên bị hại vội vàng ra nhổ cọc, dẫn tới cãi lộn, đánh nhau. Bên bị cáo càng sai khi đánh người, và để tận khi ra công an mới xin lỗi, khiến bị hại bức xúc. Hai ông nông dân canh tác sát cạnh nhau, lẽ ra phải thương nhau, thậm chí còn phải hỗ trợ kỹ thuật, vật tư canh tác… Đằng này, bên có lỗi ít gây ra bên có lỗi nhiều hơn. Mâu thuẫn này xuất phát chính từ cách sử dụng đất chưa đúng. Vụ án cho thấy, tuy đều là nông dân nhưng cả hai vẫn cần phải học cách sử dụng đất.
Vụ án đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm do có 3 vấn đề cơ bản chưa được làm rõ: vai trò của anh người nhà bên bị cáo; quá trình đo đạc xác định mốc giới thiếu nhiều thành phần cần thiết; giấy chứng nhận thương tích cấp cho bị cáo có dấu hiệu viết thêm phù hợp với nội dung cáo trạng xác định bị hại có lỗi đánh bị cáo. Nhìn hai bên ra về chẳng buồn nhìn nhau, hội đồng xét xử lắc đầu: Chẳng biết khi nào hai ông này mới có thể vui vẻ cùng nhau canh tác…
TAM THUẬT