Nghe tòa tuyên bác kháng cáo, 2 bị cáo N.V.L (sinh năm 1986) và P.T.N. (sinh năm 1972, cùng trú huyện Diên Khánh) thẫn thờ cúi đầu. Nhưng khi biết ân hận thì đã muộn.
Nghe tòa tuyên bác kháng cáo, 2 bị cáo N.V.L (sinh năm 1986) và P.T.N. (sinh năm 1972, cùng trú huyện Diên Khánh) thẫn thờ cúi đầu. Nhưng khi biết ân hận thì đã muộn.
Ra tòa xin giảm nhẹ, nhưng bị cáo L. chẳng có lý do chính đáng nào ngoài việc nêu lại những tình tiết giảm nhẹ đã được áp dụng từ cấp sơ thẩm. Cha mẹ L. vừa qua tuổi 60, con cũng không quá nhỏ (5 tuổi); tình tiết chủ động trả lại tài sản trộm cắp, có thời gian phục vụ trong quân ngũ đều đã được áp dụng. Xem ra, bị cáo chỉ có thể tự trách mình.
Nhưng ở góc độ khác, nhiều người lại lên án bị cáo N. và S.K.H (sinh năm 1972, trú Diên Khánh, không kháng cáo) nhiều hơn. N. và H. là nhân viên bảo vệ, đương nhiên biết trách nhiệm phải bảo vệ tài sản công ty. Nhưng cả hai lại không thực hiện. Nghe L. rủ trộm sắt bán kiếm tiền, N. gật đầu liền và rủ H. cùng tham gia. Nhờ có “nội ứng”, chuyện L. đột nhập trộm cắp dễ như trở bàn tay. Đến ca trực, N. báo cho L. biết. Tới nơi, L. gọi điện thoại báo, N. nhanh chóng ra mở cổng. H. dùng chổi che camera. N. điều khiển cần cẩu để L. cắt đôi tấm inox trị giá hơn 43 triệu đồng cho dễ vận chuyển. L. ra vào công ty mấy lượt, khi trộm, lúc đi thuê xe dẫn vào rồi chở tấm inox đi cất giấu, nhưng đều được H. “bao sân” che camera.
Lạ là suốt đêm đó, chưa khi nào N. và H. “giật mình” nhớ đến trách nhiệm của bảo vệ. Họ cũng quên mất điều dễ hiểu: một khi tài sản công ty bị thất thoát, chắc chắn công ty sẽ hỏi đến trách nhiệm của bảo vệ trong ca trực. Dường như N. và H. đều cho rằng chỉ cần che chắn camera là có thể tự do hành động.
Kết quả không bất ngờ: phát hiện mất tài sản, công ty báo đơn vị bảo vệ quản lý N. và H. Lúc đó, 2 bảo vệ mới chợt tỉnh, cúi đầu nhận tội và báo L. trả lại tài sản. Tính ra, cả ba chưa hề thu lợi bất chính từ hành vi trộm cắp. Bản thân L. còn 2 lần bỏ tiền ra thuê chở tấm inox đi rồi lại trả lại. Nhưng điều này không làm thay đổi tội danh dành cho 3 bị cáo.
Dân gian có câu: “Phòng người ngay, không phòng kẻ gian”. Thực tế, khi tâm không ngay thẳng, khó ngăn làm chuyện sai trái, còn với người chính trực, dù tài sản của người khác bày trước mắt cũng chẳng tơ hào. Trong vụ án này, các bị cáo đã không đủ bản lĩnh làm người ngay. Từ khi làm tới khi nghỉ việc, L. luôn đeo đuổi tìm cách thực hiện ý định trộm cắp. Với N. và H., thay vì kiên quyết từ chối đề nghị của L., cả hai lại gật đầu. Khi nhân viên cũ bắt tay bảo vệ, tài sản công ty khó giữ nổi. Tuy nhiên, hành động phi pháp phải trả giá. Án tù dành cho 3 bị cáo đã chứng minh điều đó.
TAM THUẬT