05:10, 23/10/2017

Học kiềm chế

Phiên phúc thẩm xét xử 3 bị cáo cùng trú xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm là Đ.Q.V (sinh năm - SN 1990), P.H.L (SN 1991) và N.T.P (SN 1987) ban đầu căng thẳng, nhưng cuối cùng lại kết thúc nhẹ nhàng khi chính người bị hại hiểu ra, tự nguyện rút kháng cáo đối với bị cáo cầm đầu.

Phiên phúc thẩm xét xử 3 bị cáo cùng trú xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm là Đ.Q.V (sinh năm - SN 1990), P.H.L (SN 1991) và N.T.P (SN 1987) ban đầu căng thẳng, nhưng cuối cùng lại kết thúc nhẹ nhàng khi chính người bị hại hiểu ra, tự nguyện rút kháng cáo đối với bị cáo cầm đầu.


Bữa nhậu giữa V. với mấy bạn cùng thôn lẽ ra vui vẻ nếu không xuất hiện người hàng xóm tên là P.T.T. Nhỏ tuổi, nhưng T. không chịu kém cạnh ly nào. Nhưng khi đã quá chén, T. lại gây sự với V. rồi về nhà lấy dao sang định đánh nhau. Được can ngăn, T. và V. đều ra về, nhưng T. vẫn hậm hực chưa thôi. Đúng lúc đó, T. thấy V. đi ngang qua. Cơn giận bốc lên, T. cùng bạn lao vào đánh ngã V. Khi mọi người vừa lơi tay can ngăn, T. lại vọt về nhà vác cuốc chim sang tấn công, khiến cả nhóm phải dùng sức tách T. ra. Những lần tấn công dồn dập đã khiến V. mất kiềm chế, quyết định rủ bạn vác rựa đi “nói chuyện phải trái”. Bản án 3 năm tù là cái giá mà V. phải trả cho thương tích 30% gây ra cho T. Tuy nhiên, bị hại chưa chịu, kháng cáo đòi xét xử cả 3 bị cáo về tội danh giết người.


Sau khi nghe hội đồng xét xử phân tích, bị hại T. mất hẳn vẻ bức xúc, hạ giọng thừa nhận đúng là bản thân quá hung hăng. Nhiều lần được can ngăn nhưng bị hại vẫn cố xông vào tấn công bị cáo, lại huy động cả hung khí. “Tất cả cũng tại tôi uống quá say…”. Nghe bị hại nói vậy, một vị thẩm phán nghiêm khắc phân tích: Bị cáo phải chịu án bởi tuy đã kiềm chế nhưng chưa đủ, dẫn tới hành xử vi phạm pháp luật. Nhưng bị hại cũng cần nhận thức được nguyên nhân khiến bị cáo phải vào tù chính là từ bị hại. Uống say, gây sự, sau 2 lần được can ngăn vẫn tiếp tục. Chính điều đó gây bức xúc cho bị cáo. Trong cuộc sống, bị hại cũng cần học cách kiềm chế để có những hành xử phù hợp hơn, nếu không, rất có thể, bị hại lại trở thành bị cáo. Cúi đầu, bị hại chỉ biết lí nhí xin rút kháng cáo tội danh giết người với cả 3 bị cáo và kháng cáo tăng nặng đối với V. “Họ đều là hàng xóm, gia đình cũng khổ, 2 bị cáo còn lại không trực tiếp gây thương tích cho tôi”, bị hại nói.   

 
Trong một phiên tòa khác, bị cáo T.H.T (SN 1992, trú xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) cũng vướng vòng lao lý chỉ vì can không thành. Vụ án sẽ không xảy ra nếu N.T.H. về nhà ngay sau cuộc nhậu, không tấp tiếp vào quán nhậu bên đường khi được bạn của T. mời. Đã quá say, uống một lúc, hai anh bạn chuyển sang cãi vã. T. khuyên can thì bị H. mắng “thằng nhóc con” và cầm ly thủy tinh đánh, may T. né được. Bực bội vì cú đánh thì ít mà tự ái vì cách gọi khinh thường thì nhiều, T. cũng lấy ly thủy tinh đập vào đầu H., khiến H. ngã. Bực tức vì H. vẫn lảm nhảm chửi, T. đá vào bụng H. rồi mới bỏ về khi được can. T. đã bị cấp sơ thẩm tuyên 2 năm tù do gây ra thương tích 23% cho H.


Tại phiên tòa phúc thẩm, H. thừa nhận hôm đó đã ngồi uống từ ban ngày, qua vài quán, nên đến nửa đêm, lúc gặp T. đã quá say nên mới nói năng vậy. Bị hại cũng tự thừa nhận nguyên nhân xuất phát từ lỗi của mình nên xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo như kháng cáo của bị cáo.


Có lẽ, không chỉ bị cáo, các bị hại trong 2 vụ án này cũng cần học cách kiềm chế hơn, để tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.


TAM THUẬT