Phiên xử bị cáo C.Đ (dân tộc Raglai, sinh năm 1991, trú xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) chém chết cậu chỉ vì câu nói "điên hay sao mà uống rượu một mình" diễn ra trong một buổi sáng.
Phiên xử bị cáo C.Đ (dân tộc Raglai, sinh năm 1991, trú xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) chém chết cậu chỉ vì câu nói “điên hay sao mà uống rượu một mình” diễn ra trong một buổi sáng. Phần xét hỏi về diễn biến vụ án chỉ khoảng 15 phút, trong khi phần lớn thời gian buổi xử phải dành để giải thích pháp luật cho những người tham gia tố tụng.
Có lẽ, chưa ai trong số họ từng một lần tới chốn công đường. Người nào khai cũng run run mất bình tĩnh. Ngay cả việc tuyên thệ khai trung thực cũng khiến nhân chứng ngần ngừ mãi, không biết trả lời. Khai nhận tại tòa, cả bị cáo Đ., mẹ lẫn các anh chị của bị cáo đều không biết chính xác Đ. sinh năm nào. Mẹ Đ. bảo không biết tại sao làm mất giấy khai sinh của Đ. Bà cũng không biết em của Đ. sinh năm nào; bản thân bà bao nhiêu tuổi! Anh trai Đ. khai chỉ biết Đ. nhỏ hơn mình 2 tuổi. Tương tự, cộng trừ hồi lâu, chị gái Đ. cho biết Đ. kém chị 8 tuổi.
Trước tòa, chị H., người chung sống với bị hại như vợ chồng cho biết, chị và bị hại chung sống hồi giờ, có 4 con chung, cháu đầu cũng không có giấy khai sinh. Nhưng cơ quan điều tra lại thu thập được tờ giấy chứng sinh người con đầu này ghi thời điểm sinh năm 2004. Thì ra, khi chị H. sinh con đầu lòng, được cấp chứng sinh đàng hoàng nhưng chị vẫn… cất kỹ ở nhà từ đó tới nay! Không được làm giấy khai sinh, cháu này cũng không đi học! Có với nhau 4 người con, làng xóm đều biết nhưng cả 4 cháu đều không được ghi tên cha trong giấy tờ, bởi chị H. và người bị hại chưa đăng ký kết hôn.
Thực trạng sinh ra không làm khai sinh, lấy nhau không đăng ký kết hôn còn gặp ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có lẽ, trong suy nghĩ của nhiều đồng bào, chuyện làm giấy tờ không quan trọng lắm, bởi họ chỉ cần ngày ngày mang gùi đi rẫy, kiếm đủ cái ăn là ổn. Nhưng chắc họ không ngờ có thể bị thiệt thòi khi gặp chuyện, như trong vụ án này.
Do không có đăng ký kết hôn, chị H. ra tòa không phải với tư cách đại diện hợp pháp của người bị hại, mà chỉ với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do cùng bị hại nuôi dưỡng, chăm sóc các con. Chị chỉ được mẹ bị hại, với tư cách đại diện hợp pháp của người bị hại, ủy quyền thay bà tham gia phiên tòa. Tuy được đứng tại tòa, được trình bày, yêu cầu cho các con, nhưng bản thân chị không được bù đắp tổn thất về tinh thần bởi chị không phải vợ chính thức của bị hại.
Cuộc sống của hai bên gia đình đều còn rất khó khăn. Mẹ Đ. vét hết tiền bà con xóm giềng cho được tổng cộng 410.000 đồng, tạm thời bồi thường cho gia đình người bị hại. Mới nghe nói yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần 20 triệu đồng, mẹ Đ. đã chấm nước mắt, thật thà cho biết nhà bà không có tiền đền. Mẹ bị hại cũng thành thật kể, cả đám tang lo hết 3,5 triệu đồng, đều là tiền người ta qua thăm viếng, may là đủ, chứ nhà cũng không có tiền bỏ ra…
Đói nghèo triền miên, thất học, vi phạm pháp luật dài dài và nhiều thiệt thòi khác, những hệ quả không đáng có này bắt nguồn từ chỗ ít học, thiếu hiểu biết pháp luật nên một số đồng bào dân tộc thiểu số như trong vụ án này đã bỏ thực hiện những thủ tục hết sức đơn giản như khai sinh, đăng ký kết hôn. Thật là thiệt thòi không đáng có!
TAM THUẬT