06:12, 13/12/2014

Tại anh, tại ả...!

Buổi hòa giải vụ án ly hôn cuối tháng 11 kết thúc trong sự giận dữ, thách thức của đôi bên. Người chồng tuyên bố sẽ mời luật sư. Người vợ cũng không chịu thua kém: Anh có luật sư, dễ tôi không có?

Buổi hòa giải vụ án ly hôn cuối tháng 11 kết thúc trong sự giận dữ, thách thức của đôi bên. Người chồng tuyên bố sẽ mời luật sư. Người vợ cũng không chịu thua kém: Anh có luật sư, dễ tôi không có?


Người vợ bảo, trước khi cưới cô, anh ta không nghề nghiệp, tay trắng từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang. Do có một tiệm bán quần áo nên cô cũng có đồng ra đồng vào. Cô đã không tiếc gì, đầu tư cho chồng học lái xe, rồi xin cho làm ở một hãng taxi. Một thời gian sau, thấy anh chồng than vãn công việc vất vả, thu nhập không cao, cô lại bỏ tiền cho chồng đi học chụp ảnh, quay camera, rồi thuê một căn nhà mặt phố, vay cha mẹ đẻ 200 triệu đồng (không giấy tờ) đầu tư kinh doanh dịch vụ chụp ảnh, cho thuê áo cưới. Công việc đang thuận lợi, hai vợ chồng cũng vừa xây được căn nhà trên đất cha mẹ vợ thì cô phát hiện chồng có bồ. Hận người chồng bạc tình, phụ nghĩa, cô quyết định ra Tòa, đòi bằng hết những gì đã đầu tư cho chồng.


Người chồng cũng thừa nhận anh được như bây giờ là nhờ vợ. Anh cũng thừa nhận đã vay của cha mẹ vợ để đầu tư tiệm áo cưới và cam kết hoàn trả hết, tự nguyện cấp dưỡng nuôi con 5 triệu đồng/tháng. Nhưng lúc đọc biên bản, anh lại giãy nảy, nhất định không chịu ký bởi văn bản có ghi từ “trả nợ”. Anh bảo, ghi thế nào cũng được nhưng không ghi là “trả nợ”. Người vợ bực bội: Đã thế thì chia đôi tiệm áo cưới đang thuê. Không vừa, anh chồng thách thức: Chia hết đi, chia cả miếng đất nữa! Cô vợ quát: “Đất nào của anh mà đòi chia?”. “Không chia đất thì chia nhà, tôi sẽ mời luật sư”, anh chồng đáp trả.


Buổi hòa giải một vụ án ly hôn khác diễn ra trước đó cũng đầy kịch tính. Ra Tòa ly hôn lần thứ hai, người chồng tiếp tục “gây ấn tượng” bởi “phong cách” y như lần ly hôn đầu. Anh kiên quyết đòi vợ phải cấp dưỡng nuôi con 5 triệu đồng/tháng. Chị vợ không chịu vì cho rằng mình bị lừa, căn nhà chung cư anh mua trước khi họ cưới nhau có phần tiền của chị góp vào để hoàn thiện. Chị cứ đinh ninh nhà đứng tên hai vợ chồng, nhưng không ngờ, anh đứng tên một mình, hóa ra anh phủi sạch công sức đóng góp của chị. Bây giờ, anh còn đòi chị cấp dưỡng nuôi con. Anh bảo, nếu chị đã rạch ròi vài đồng bạc góp vào thì anh cũng tính cho mà biết. Rồi anh liệt kê chiếc máy lạnh, máy giặt, thậm chí cả chiếc điện thoại mua tặng, số quần áo sắm cho vợ... để cấn trừ! Tình hình chẳng khác gì lần ly hôn với cô vợ trước. Hai bên cũng căn ke nhau từng chiếc đũa, khiến vợ nước mắt lưng tròng, phải tuốt hết nhẫn, vòng vàng trả lại để đổi lấy một chữ ký của chồng. Anh lý giải, anh nhỏ mọn cũng bởi vợ anh có lỗi, anh không chấp nhận một người vợ sẵn sàng đem cho đứa con mới 2 tháng tuổi chỉ vì chồng về nhà chậm hơn thời hạn mà vợ đặt ra... Cũng may, người nhận con sợ bị tố cáo tội mua bán trẻ em nên đã vội mang con tới trả.


Có thể nhìn nhận, khi đã nộp đơn xin ly hôn, nghĩa là hai vợ chồng đã cạn tình. Dẫu vậy, họ vẫn còn nghĩa. Đó là quãng thời gian chung sống, vun đắp cho hạnh phúc chung, là những đứa con chung mà cả hai còn trách nhiệm nuôi dưỡng. Tuy nhiên, lòng oán hận, sự hằn học, bực bội dồn nén lâu ngày đã khiến họ quên đi cách ứng xử văn hóa cần thiết, cố tình dồn đẩy bên kia vào chân tường cho thỏa cơn tức, cho vơi trách cứ. Trong vụ việc đầu, chị vợ trách chồng vô ơn; anh chồng lại bứt khỏi gánh nặng ơn nghĩa bằng việc ngoại tình. Trong vụ việc thứ hai, người vợ mải tính toán mà vô tình đến mức khó chấp nhận với chính con của mình; người chồng cũng chẳng rút kinh nghiệm được gì từ cuộc hôn nhân trước kia, tiếp tục điệp khúc “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.


Những cuộc hôn nhân như vậy, nếu tan vỡ cũng là “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”!


TAM THUẬT