08:11, 08/11/2014

Hàng xóm

Trái với vẻ ngoài bệ vệ, ánh mắt kiên quyết, người đàn ông có mặt tại phiên phúc thẩm sáng 5-11 chẳng những không quyết liệt đề nghị Tòa xử thật nghiêm, mà tha thiết xin Tòa giảm án, nếu được, cho người cháu họ và người hàng xóm đã trộm tài sản của ông được hưởng án treo.

Trái với vẻ ngoài bệ vệ, ánh mắt kiên quyết, người đàn ông có mặt tại phiên phúc thẩm sáng 5-11 chẳng những không quyết liệt đề nghị Tòa xử thật nghiêm, mà tha thiết xin Tòa giảm án, nếu được, cho người cháu họ và người hàng xóm đã trộm tài sản của ông được hưởng án treo. Sống gần nhà, hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, ông Trung cho rằng: “Các cháu đều còn trẻ, chẳng qua trót dại mà phạm tội. Hơn nữa, gia đình các cháu đều rất khó khăn, nếu các cháu chịu án tù, không ai cáng đáng lo kinh tế gia đình”.


Lẹ và Sinh bị cấp sơ thẩm tuyên phạt lần lượt 6 và 9 tháng tù do đã tới nhà ông Trung lấy trộm cây láp bằng kim loại trị giá hơn 9 triệu đồng. Sinh cho biết ban đầu  chỉ định tới nhà ông Trung xin tiền đi mua rượu uống tiếp, vì trước đó Sinh và Lẹ đã cùng nhau uống 3 lít rượu. Nhưng một phần do nhà ông Trung không có ai, thấy cây láp để ngay sân, do say quá nên nhất thời phạm tội...


Vị thẩm phán chủ tọa giải thích, quy định về điều kiện hưởng án treo và giảm án rất nghiêm ngặt, Tòa không thể tùy tiện chấp nhận kháng cáo với lý do bị cáo thấy sơ hở nên nhất thời phạm tội. Đặc biệt, say rượu không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Sau khi nghe Tòa bác kháng cáo, ông Trung chỉ biết thở dài nhìn 2 bị cáo.


Chiều cùng ngày, tại phiên xử vụ án Cố ý gây thương tích, Tòa đã tuyên đình chỉ xét xử sơ thẩm do người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa. Bị hại và bị cáo trong vụ án này cũng là hàng xóm của nhau vì hai quán kinh doanh ăn uống cạnh nhau. Một ngày, khi chị Nhã sai người đổ nước bẩn ra hố ga ven đường gần quán của Cường, bị cáo ra cự nự, không cho chị Nhã tiếp tục làm vậy, nhưng chị không chịu, còn cho rằng đó là hố ga công cộng, Cường không có quyền cấm. Lời qua tiếng lại, bực quá, Cường cầm dao chém chị Nhã, gây thương tích 9%. Uất ức vì người chém mình chẳng hề tới thăm hỏi, trong khi bản thân phải đi điều trị tận TP. Hồ Chí Minh, chị Nhã đã có đơn yêu cầu khởi tố. Hàng năm trời, hai bên không ai chịu ai. Người cho rằng nhà bên có lối sống thiếu văn minh, không quan tâm tới cộng đồng; kẻ cho rằng nhà hàng xóm hành xử kiểu “dao búa”, phải để luật pháp trừng trị. Chỉ 1 ngày trước khi phiên tòa diễn ra, hai bên mới thấm thía lỗi của bản thân. Bị cáo Cường đã tự nguyện bồi thường cho chị Nhã một khoản tiền thay lời xin lỗi; chị Nhã cũng tự nhận hành động của mình chưa đúng và còn thiếu vị tha.


Hai phiên tòa gợi nhớ tới phiên phúc thẩm ngày 19-9 xét xử bị cáo Phụng về tội Cố ý gây thương tích. Mẹ con bị cáo Phụng cãi nhau với người hàng xóm và được bà Sang ở gần đó khuyên can. Tiếc là mẹ con bị cáo Phụng lại cho rằng bà Sang bênh bên kia, dẫn tới hai bên đánh nhau, bà Sang bị thương tích 8%, còn bị cáo Phụng phải chịu án 6 tháng tù.


Dân gian xưa có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, ngụ ý khuyên hàng xóm láng giềng nên ăn ở có tình có nghĩa, thân thiện với nhau. Việc người dân đối xử với nhau tình nghĩa, biết nhường nhịn, bỏ qua chính là tiền đề để xã hội tốt đẹp hơn. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, không ít người đã tự biến mình thành láng giềng... “xa”!


TAM THUẬT