Hiếm có phiên tòa nào nhẹ nhàng như phiên tòa xét xử bị cáo Giang (Ninh Hòa, Khánh Hòa) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là bởi bị cáo nguyên là giáo viên luôn tỏ thái độ thành khẩn và không ngần ngại chỉ rõ lỗi lầm của mình.
Hiếm có phiên tòa nào nhẹ nhàng như phiên tòa xét xử bị cáo Giang (Ninh Hòa, Khánh Hòa) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là bởi bị cáo nguyên là giáo viên luôn tỏ thái độ thành khẩn và không ngần ngại chỉ rõ lỗi lầm của mình.
Trả lời câu hỏi của Tòa về nguyên nhân khiến bị cáo lần lượt lừa 10 người, chiếm đoạt gần 800 triệu đồng, người phụ nữ 45 tuổi nói rành rẽ: “Thưa Hội đồng xét xử, bị cáo lừa đảo vì sĩ diện! Bị cáo vừa lừa dối, vừa không thành thật nên mới có ngày hôm nay!”. Theo hồ sơ, để được vay tiền, Giang đã nói dối nhiều người là cần tiền đầu tư mua bán cà phê tại Công ty Cà phê cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk tại tỉnh Đắk Lắk (quê bị cáo). Bị cáo Giang chỉ bật khóc khi nghe Tòa hỏi số tiền lớn như vậy, làm sao chi dùng sinh hoạt có thể hết được? Lời khai của bị cáo cũng khiến người dự ít nhiều xúc cảm: Chồng bị cáo từng là thợ hồ, nay là lái xe. Khi chồng bảo xây nhà lại, vì quá sĩ diện, bị cáo đã vay ngân hàng để góp một phần nhỏ bé vào công việc này. Khoản vay đó, bị cáo đã phải dùng toàn bộ tiền lương của mình để trả. Nhưng bị cáo giấu không cho chồng biết. Không có tiền chi tiêu, bị cáo nghĩ cách vay lãi để trả dần. Nhưng lãi mẹ cứ đẻ lãi con. Thế là bị cáo nghĩ cách vay người quen, phụ huynh học sinh, giáo viên cùng trường... Và cũng từ đó bắt đầu cái vòng luẩn quẩn lừa dối, vay tiền, trả nợ lãi, nợ góp trong khi vẫn phải chi tiêu hàng ngày. Với người cho vay, bị cáo đều nói dối là vay buôn bán cà phê. Một số ít, bị cáo không nêu lý do, chỉ vì vì họ quá tin tưởng bị cáo nên không hỏi.
Trong suốt phiên xử, ai cũng gọi bị cáo là “chị Giang” với thái độ ít nhiều đồng cảm. Không chỉ vậy, tất cả những người bị lừa, ít thì 10 triệu đồng, nhiều thì hơn 100 triệu đồng đều tự nguyện khấu trừ phần tiền lãi đã nhận theo thỏa thuận để bớt số nợ gốc còn lại cho bị cáo. Trong những khoản cho vay, có món tiền được người bị hại dành dụm cả đời, có món tiền do bị hại tin tưởng mà đi vay của người thân, thậm chí vay lãi... Sau nhiều lần cúi đầu cảm ơn từng bị hại, bị cáo Giang lại khóc. Đó là những giọt nước mắt ân hận trước tình cảm mà các bị hại đã dành cho một người đã từng lừa dối, phản bội lại sự tin tưởng của họ. Đó còn là nỗi buồn khó nói khi bị cáo trót sai lầm, bằng mọi cách tỏ ra là người giỏi giang, tháo vát trước chồng con, là người phụ nữ thành đạt trong mắt người ngoài. Ngày ra Tòa, chỉ thấy cô con gái tới an ủi mẹ bằng chai nước trong lúc chờ nghị án. Bị cáo bảo từ ngày tạm giam chưa từng gặp chồng, còn trước đó gọi về nhà chỉ được nghe những lời chửi mắng!
Dân gian thường chê những người muốn tỏ ra không thua kém ai hoặc che giấu sự kém cỏi của mình để mong được người khác coi trọng bằng câu: “Sĩ diện hão!”. Thực tế, ai cũng đều có mong mỏi được coi trọng, nhưng điều đó khác với sĩ diện. Giá bị cáo vui vẻ làm một cô giáo có thu nhập khiêm tốn, không cố tỏ ra tháo vát thì mọi chuyện đã khác. 8 năm tù đối với bị cáo có lẽ không nặng nề bằng cảm giác đánh mất niềm tin của nhiều người chỉ vì bản thân không đủ bản lĩnh chiến thắng sĩ diện. Mong rằng đừng ai đi vào con đường này.
TAM THUẬT