Phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản kết thúc. Điều khiến nhiều người phải suy nghĩ nhất không phải lời khai ngậm ngùi của bị cáo Thơm về việc đã mù quáng trong tình yêu, mà chính là lỗ hổng quản lý trong lĩnh vực kinh doanh - cơ hội để đôi tình nhân lừa đảo nhiều lần.
Phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản kết thúc. Điều khiến nhiều người phải suy nghĩ nhất không phải lời khai ngậm ngùi của bị cáo Thơm về việc đã mù quáng trong tình yêu, mà chính là lỗ hổng quản lý trong lĩnh vực kinh doanh - cơ hội để đôi tình nhân lừa đảo nhiều lần.
Vừa tốt nghiệp cao đẳng, Thơm quyết định chung sống như vợ chồng với một sinh viên đại học. Không có việc làm và cần tiền tiêu xài, cả hai nghĩ cách kiếm tiền. Thấy cách thức vay mua trả góp điện thoại của Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Công ty PPF) khá đơn giản, chỉ cần có chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe, người chồng hờ bèn bàn với Thơm thực hiện hành vi lừa đảo. Thơm và “chồng” bắt đầu “huy động” mọi mối quan hệ quen biết để mượn chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe, sau đó thế ảnh của mình vào và mang đến ký hợp đồng trả góp vay mua điện thoại của Công ty PPF. Trên hợp đồng, người vay phải trả góp giá trị chiếc điện thoại định mua trong 9 tháng, người mua trả trước một phần nhỏ và nhận điện thoại di động, còn lại trả dần hàng tháng. Nhưng khi có điện thoại, cả hai đem bán lấy tiền tiêu xài mà không trả nốt số tiền còn lại cho Công ty, giấy tờ tùy thân của bạn bè được bị cáo trả lại bạn vào hôm sau. Bằng cách này, từ tháng 8 đến tháng 11-2013, cả hai đã thực hiện liên tiếp 17 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty PPF với tổng giá trị chiếm đoạt gần 100 triệu đồng, trong đó, bị cáo chỉ đưa trước cho Công ty PPF hơn 8,5 triệu đồng.
Trước Tòa, đại diện Công ty PPF lý giải nguyên nhân không phát hiện ra chân tướng 2 đối tượng lừa đảo là do Công ty có nhiều nhân viên, được chia ca trực trong ngày. Do đó, nhân viên tiếp nhận giấy tờ của bị cáo hôm trước lại không phải là người tiếp nhận vào hôm sau, hoặc hôm sau nữa. Trong sổ sách thể hiện những người có tên tuổi, địa chỉ khác nhau, nên không ai nghi ngờ. Vị thẩm phán nhấn mạnh: Công ty PPF là công ty kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, tội phạm trong lĩnh vực này đang có xu hướng gia tăng, nên không chỉ PPF, mà các đơn vị khác cũng rất cần rút kinh nghiệm, đề cao cảnh giác.
Bản án 3 năm 6 tháng tù mà Tòa tuyên sẽ giúp Thơm có thời gian sám hối về hành vi của mình, cũng như ngẫm nghĩ nhiều hơn về việc để tình cảm chi phối những hành động phạm pháp. Phía Công ty PPF cũng thừa nhận: Lỗ hổng trong quản lý của PPF đã cho thấy ngay hậu quả. Hiện nay, để khắc phục điều này, Công ty đã sắm thiết bị kiểm tra dấu vân tay của khách hàng tới vay mua điện thoại. Hy vọng các đơn vị kinh doanh luôn đề cao cảnh giác trước tội phạm, để không phải “vá lỗ hổng” như PPF.
TAM THUẬT