Một ngày cuối tháng 7, hơn chục chủ đại lý gạo ở Nha Trang, Diên Khánh cùng tới Tòa. Trong số họ, có một người đàn bà gầy gò, già hơn nhiều so với tuổi 55. Đó là người đã bị Hồ Thị Tường Vi (TP. Hồ Chí Minh) lừa đến khốn đốn.
Một ngày cuối tháng 7, hơn chục chủ đại lý gạo ở Nha Trang, Diên Khánh cùng tới Tòa. Trong số họ, có một người đàn bà gầy gò, già hơn nhiều so với tuổi 55. Đó là người đã bị Hồ Thị Tường Vi (TP. Hồ Chí Minh) lừa đến khốn đốn.
Để có tiền tiêu xài, Vi nói dối bà Chín, chủ cửa hàng gạo ở Diên Khánh, là định làm từ thiện, rồi mua 1 tạ gạo của bà, sau đó cùng bà mang gạo và 1 triệu đồng đến làm từ thiện tại một ngôi chùa. Từ đó, Vi nhiều lần mua gạo của bà Chín, lần sau mua nhiều hơn lần trước, mua lần sau trả một phần tiền lần trước, và nói bà giao hàng tại nhiều đại lý gạo ở Nha Trang, thực tế là Vi bán luôn cho những nơi này với giá thấp hơn rồi thu tiền ngay, lấy chính tiền đó trả một phần cho bà Chín, còn lại giữ tiêu xài. Từ ngày 27-4 đến 23-5-2013, Vi lừa của bà Chín hơn 151 tấn gạo các loại, trị giá hơn 1,56 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Vi sụt sùi cho rằng mình oan ức, chỉ đi buôn kiếm lời. Nhưng hiếm người buôn nào mua gạo với giá 10.000 đồng/kg rồi đem bán 7.500 đồng/kg để... có lời!! Tuy nhiên, Vi vẫn nói, nếu không bị bắt thì đã xin tiền mẹ trả nợ, vì mẹ Vi ở Mỹ, có nhiều tiền. “Sau này có cơ hội bị cáo sẽ khắc phục”, Vi nói vậy. Nhưng sau khi phiên tòa kết thúc, một chủ đại lý gạo cho Vi mượn điện thoại gọi cho mẹ để xin tiền trả nợ, cũng là để Vi có tình tiết giảm nhẹ khi kháng cáo, thì Vi bảo chẳng nhớ số của ai, không liên lạc được với mẹ!
Trả lời câu hỏi: “Vì sao dễ dàng cho một người không quen biết mua chịu gạo với số lượng lớn?”, bà Chín nói, Vi đã đánh trúng tâm lý muốn làm việc thiện của bà. Ban đầu, Vi đến một ngôi chùa ở huyện, nói với sư thầy ý định làm từ thiện và nhờ giới thiệu một đại lý gạo uy tín để mua gạo giúp chùa, người nghèo. Bà Chín hay đi chùa, làm việc thiện nên sư thầy biết. Thấy Vi tỏ ra có thiện ý, sư thầy cho Vi số điện thoại của bà Chín. “Tôi nghĩ Vi đã nói chuyện từ thiện với sư thầy, chắc cũng là người đàng hoàng nên tôi đồng ý gặp Vi”, bà Chín trình bày. Và chuyến lên chùa làm từ thiện cùng Vi đã “hạ gục” bà Chín hoàn toàn. Chỉ trong 1 tháng sau đó, Vi đã lừa của bà hơn 151 tấn gạo, chỉ trả được hơn 680 triệu đồng, chiếm đoạt hơn 880 triệu đồng. Bà Chín lau mắt, buồn bã: “Nhiều lần Vi gọi giao lượng gạo lớn, tôi phải huy động các đại lý khác. Khi họ đòi, tôi phải vay nợ để trả, nhưng vẫn thiếu 200 triệu đồng. Giờ nhà đã bị cơ quan thi hành án giữ, có bán gạo tiếp cũng không có vốn, lại chẳng ai tin, tôi phải vào TP. Hồ Chí Minh dọn dẹp nhà thuê cho người ta, tháng được 2 triệu đồng. Chồng mất rồi, tôi còn phải nuôi con ăn học...”.
Thuận cũng là một người chẳng được gì khi tin Vi. Anh quen Vi thông qua người bạn cùng quê vợ và được Vi nhờ đi “xiết nợ gạo” giùm. Tin Vi, anh đã “tích cực” đến mức cãi cọ, xô xát với một chủ đại lý muốn giành lại gạo, không cho anh chở đi. Đến khi ra Tòa, anh mới té ngửa trước chiêu lừa “mua chịu” của Vi. Anh bảo được Vi “bồi dưỡng” tổng cộng 10 triệu đồng, nhưng chi phí vào tiền vận chuyển cũng vừa hết. Coi như anh được bài học về sự cả tin!
12 năm tù là bài học cho Vi, nhưng vụ án này cũng là bài học về lòng tin mù quáng, bởi kẻ lừa đảo có thể đánh cả vào tâm lý muốn chia sẻ, làm việc thiện của nhiều người.
TAM THUẬT