12:01, 06/01/2014

Đừng vin vào chủ trương

Ít có phiên xử phúc thẩm vụ án hành chính nào lại khiến hội đồng xét xử "nóng" như phiên xử cuối tháng 12 vừa qua. Nóng là bởi đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân huyện D. (người bị kiện) - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện luôn lắc đầu với những câu hỏi của Tòa.

Ít có phiên xử phúc thẩm vụ án hành chính nào lại khiến hội đồng xét xử “nóng” như phiên xử cuối tháng 12 vừa qua. Nóng là bởi đại diện hợp pháp của UBND huyện D. (người bị kiện) - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện luôn lắc đầu với những câu hỏi của Tòa.


Ngày 22-10-2012, UBND huyện D. cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Hiểu với diện tích hơn 2.000m2. Ngày 28-3-2013, UBND huyện nhận được đơn khởi kiện của bà Lý yêu cầu hủy GCNQSDĐ trên. Bởi đây là mảnh đất do cha mẹ bà Lý chết để lại. Ngoài bà Lý, ông bà này còn có 2 người con khác (trong đó có bà Diên). Hai người này đều đã chết và có 7 người con, trong đó có ông Hiểu được cấp GCNQSDĐ nói trên. Năm 2010, bà Lý và một người cháu khác là ông Hùng có đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung đối với mảnh đất trên, được tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do không đủ điều kiện khởi kiện. Cấp phúc thẩm cũng giữ nguyên quyết định như án sơ thẩm. Không đồng ý, bà Lý và ông Hùng tiếp tục gửi đơn khiếu nại đề nghị giải quyết lại theo trình tự giám đốc thẩm. Trong khi tranh chấp chưa được giải quyết thì ông Hiểu làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ và hoán đổi đất cho người cháu khác. Ông Hiểu khẳng định tuy đất có tranh chấp, nhưng khi ông làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ thì quyết định của Tòa án nhân dân huyện đã có hiệu lực. Do vậy, việc cấp GCNQSDĐ là đúng pháp luật. Ông bà ông để mảnh đất lại cho mình bà Diên nhưng không có di chúc; ông Hiểu có văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế của bà Diên cho ông được sử dụng. Ngược lại, ông Hùng yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp cho ông Hiểu. Theo ông Hùng, phần đất còn lại có nhà từ đường, nhưng sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án các cấp, ông Hiểu đã tự ý phá nhà từ đường, xây nhà mới và được UBND huyện cấp GCNQSDĐ.


Tại Tòa, đại diện hợp pháp của UBND huyện không trả lời được câu hỏi của vị thẩm phán là tới giờ có nhận thấy mình sai gì không. Vị thẩm phán phát nóng vì kiểu mập mờ của đại diện hợp pháp này. Khi cung cấp chứng cứ, ông này không xuất trình tờ giấy cho thấy người ông chỉ cho bà Diên 1 sào, còn UBND huyện lại cấp GCNQSDĐ đối với cả 4 sào cho người cháu nội (thừa kế của bà Diên). Ông này còn vô tâm trả lời: UBND huyện chủ trương là cấp sổ đỏ, sau này các bên có kiện thì ra Tòa làm kiện thừa kế, Tòa giải quyết là xong. Thẩm phán không kiềm chế được: “Chủ trương nào thì cũng phải tuân thủ pháp luật chứ!”.


Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án các cấp do chưa đủ điều kiện khởi kiện không phải là căn cứ xác định mảnh đất trên không có tranh chấp, cũng không phải là quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế của tòa án, nên không được coi là căn cứ xét cấp GCNQSDĐ. Ngoài ra, khi xem xét cấp GCNQSDĐ cho ông Hiểu, UBND huyện chỉ căn cứ vào văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế của bà Diên mà không có sự thỏa thuận của các đồng thừa kế còn lại là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Bản thân các đồng thừa kế của bà Diên cũng không cung cấp được tài liệu chứng minh mảnh đất này chỉ cho riêng bà này. Do vậy, kháng cáo của người khởi kiện đối với bản án sơ thẩm là có cơ sở chấp nhận. Hiểu cách khác, không có chủ trương nào lại bất chấp pháp luật được.

 
TAM THUẬT