Phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản đầu tháng 12, nguyên đơn gần như đổ sụp khi nghe Tòa bác toàn bộ kháng cáo của mình.
Phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản đầu tháng 12, nguyên đơn gần như đổ sụp khi nghe Tòa bác toàn bộ kháng cáo của mình. Các vị trong hội đồng xét xử đã phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra phán quyết, nhưng luật pháp không thể vị tình. Phiên tòa còn lại những lời trách mắng của người mẹ trước bị đơn bạc bẽo và cả những oán thán tự trách mình của nguyên đơn.
Tranh chấp dân sự này có liên quan đến một vụ án hình sự. Ông anh rể 56 tuổi khai từng cho vợ chồng người em vợ vay 3,15 tỷ đồng để làm ăn. Rồi chính ông lại làm đơn tố cáo hai vợ chồng đó về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2010, vụ án được đưa ra xét xử, chồng người em vợ phải chấp hành án. Tòa án cả 2 cấp đều xác định người này đã lừa đảo chiếm đoạt của ông 1,4 tỷ đồng. Còn 1,75 tỷ đồng được tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự khi có yêu cầu. Người anh rể đã khởi kiện yêu cầu em vợ phải trả số tiền này và không đồng ý việc chồng cô này đứng ra nhận nợ thay cho vợ. Ngược lại, ở trong tù, chồng người em vợ lại có tờ khai nêu rõ việc vay 1,75 tỷ đồng của ông, còn cung cấp 2 tờ giấy nhận nợ và khẳng định sẽ trả nợ sau khi chấp hành xong hình phạt tù và trở về làm ăn. Người em vợ 39 tuổi cũng khẳng định không hề yêu cầu chồng đứng ra nhận nợ thay cho mình và cũng không nợ anh rể!
Rời Tòa trong nước mắt, người anh rể cho biết ông không “tâm phục khẩu phục”, và “chỉ cần còn hơi thở là còn chiến đấu với hai vợ chồng lưu manh”! Vợ ông đau đớn khóc nói về đứa em gái: “Nó hớt cả bát cháo của ba đứa nhỏ”. Số tiền lớn cho vay đó thực ra không phải từ vốn liếng dư dả của vợ chồng chị. Hồi đó, cũng vì “bùi tai”, anh chị đã đi vay mượn nhiều nơi rồi cho vợ chồng em gái vay lại. Giờ người ta đến đòi, bất đắc dĩ, hai vợ chồng phải bán căn nhà là nơi cư ngụ duy nhất để trả nợ, rồi dắt díu nhau về ở nhờ mẹ. Trông chờ chồng người em vợ ở tù ra, biết bao giờ mới làm đủ để trả nợ?
Hầu hết người dự phiên tòa đều thấy vợ chồng người anh rể đáng thương. Bởi họ không cung cấp được chứng cứ nào, ngoài 2 bản án hình sự đã tuyên, trong đó cũng chỉ xác định số tiền 1,75 tỷ đồng mà chồng người em vợ nhận nợ là quan hệ dân sự. Người anh rể không cung cấp được bằng chứng là vì hồi đó, tin tưởng vào quan hệ anh rể - em vợ nên ông đã cho vay mà không có giấy tờ làm bằng. Đáng thương còn bởi họ phải chịu khoản án phí dân sự tới hàng trăm triệu đồng khi khởi kiện mà không có chứng cứ chắc thắng.
Con đường dẫn đến kết cục thua kiện như trên không mới, nhưng trong xã hội vẫn có nhiều người tiếp tục đi vào, bởi họ vẫn tin tưởng mù quáng, thiếu thận trọng khi tham gia các quan hệ dân sự, để rồi chỉ còn biết ân hận, tự trách mình.
TAM THUẬT