Phải nói ngay rằng, ham rẻ là tâm lý chung của đa số người dân và điều này không có gì đáng trách. Nhưng ham rẻ để phải ra đứng trước vành móng ngựa như trường hợp của một bị cáo ở Ninh Hòa mới đây thì không nên.
Phải nói ngay rằng, ham rẻ là tâm lý chung của đa số người dân và điều này không có gì đáng trách. Nhưng ham rẻ để phải ra đứng trước vành móng ngựa như trường hợp của một bị cáo ở Ninh Hòa mới đây thì không nên.
Để có tiền ăn chơi tiêu xài, 3 thanh niên cùng xã với bị cáo Quốc đã nhiều lần đi trộm cắp tài sản của người dân trong xã. Một lần, nhóm này đột nhập nhà dân và trộm cắp được chiếc máy tính xách tay. Tuy biết là tài sản trộm cắp nhưng Quốc vẫn mua với giá 3,3 triệu đồng. Theo biên bản định giá, chiếc máy tính xách tay có giá hơn 11 triệu đồng.
Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, Quốc cho biết, khi chào bán chiếc máy tính xách tay, một tên trong nhóm trộm cắp nói với Quốc đây là máy tính lấy của bà chị gái. Quốc đã “tự động viên” bản thân cứ mua, cứ tin thanh niên đó đã lấy tài sản của chị gái, nếu biết được, chắc trong nhà họ cũng xuê xoa. Điều này cũng một phần do bị cáo ham rẻ. Bị cáo còn cất công mang máy tính ra một tiệm kinh doanh máy tính để khảo giá. Người bán cho biết chiếc máy tính này có giá khoảng 3,5 triệu đồng. Quay về, bị cáo trả giá 3,3 triệu đồng và được chấp nhận. Thấy hời hơn giá người bán hàng nói, sẵn đang cần máy tính cho đứa con lớn 9 tuổi làm quen với tin học, lại thấy vừa với túi tiền của mình, người đàn ông hàng ngày kiếm thu nhập bằng cách bán nước uống ven đường đã gật đầu trao tiền. Cái gật đầu đó khiến Quốc phải trả giá bằng bản án 6 tháng tù giam về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau vài ngày bàng hoàng, bị cáo đã gửi đơn kháng cáo xin giảm án.
Những người sống ở Nha Trang lâu năm hẳn đều biết ở chợ Đầm trước đây có một khu vực buôn bán gọi là “chợ trời”. Nhiều người dân muốn mua đồ cũ, đồ rẻ mà không quan tâm nhiều đến nhãn mác thường tới đây để mua. Một cái radio cũ hay chiếc đồng hồ đã qua tay nhiều người, ở đây đều có, giá cũng phải chăng. Ngày nay, người ta lại rỉ tai nhau tới các tiệm cầm đồ, thậm chí cả các tiệm kinh doanh
của tư nhân để mua đồ cầm quá hạn mà không có người tới chuộc, đồ đã xài qua tay người khác, đồ viện trợ, thậm chí cả những món hàng mang danh “hàng xách tay”. Từ chiếc điện thoại, đồng hồ, quần áo, nồi cơm điện, đến chiếc máy ảnh đắt tiền, hay hộp sữa ngoại không qua nhập khẩu chính thức…, tất cả đều có. Đa số món đồ đã có người dùng nên giá cả rất vô cùng, còn chất lượng thì tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng đánh giá của người mua. Trong số đó, không loại trừ có cả những món đồ trộm cắp đã sang tay nhiều người và hầu như không còn “lý lịch” khi tới các cửa hàng. Không ít người đã vui mừng vì mua được món hời. Nhưng họ quên rằng, dù họ không biết là tài sản trộm cắp, nhưng khi cơ quan điều tra truy nguyên được, thì tài sản đó vẫn phải thu hồi. Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được người mua biết rõ mà vẫn mua, thì kết cục mang tội vào người như bị cáo Quốc là một ví dụ.
Trong vụ án nói trên, bị cáo Quốc đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh tuyên chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm thành 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bởi Tòa nhận định, bị cáo phạm tội lần đầu, tức thời, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nghề nghiệp và nơi cư trú ổn định, rõ ràng, tiêu thụ tài sản không nhằm mục đích vụ lợi. Hy vọng, qua câu chuyện này, những ai thường mua đồ cũ vì ham rẻ cũng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua đồ không rõ nguồn gốc.
TAM THUẬT