Người dự phiên tòa hôm đó chỉ toàn họ hàng, người thân, nhưng họ tuyệt đối chẳng nói với nhau lời nào, cũng chẳng một lần đưa mắt nhìn nhau.
Người dự phiên tòa hôm đó chỉ toàn họ hàng, người thân, nhưng họ tuyệt đối chẳng nói với nhau lời nào, cũng chẳng một lần đưa mắt nhìn nhau.
Trước Tòa, bà Th., bị đơn trình bày: Đầu năm 2004, vợ chồng bà T. (chị gái bà) giới thiệu một căn nhà ở Nha Trang. Do đang định cư ở nước ngoài, không thể đứng tên chủ sở hữu nên chị em bà đã thỏa thuận nhờ vợ chồng bà T. mua giùm và đứng tên chủ sở hữu, đồng thời sử dụng nhà đất đó. Bà Th. đã chuyển về nước 50 nghìn euro, tương đương 1 tỷ đồng cho vợ chồng người chị lo mua nhà, đồng thời đến ở và quản lý nhà. Năm 2006, vợ chồng bà Th. về nước, vợ chồng bà T. đã bàn giao nhà, đi thuê chỗ khác. Trước khi ra nước ngoài, bà Th. đã giao chìa khóa nhà cho mẹ đẻ và các anh chị khác trông coi. Năm 2009, vợ chồng bà T. gọi điện thoại, hỏi mượn lại nhà của bà Th. để làm cơ sở sản xuất bánh mì. Vì tình cảm chị em, bà Th. đã đồng ý. Năm 2011, bà Th. tá hỏa khi biết căn nhà của mình đang được vợ chồng người chị rao bán trên mạng. Bà lập tức yêu cầu vợ chồng bà T. trả nhà, nhưng họ không trả.
Chứng lý của nguyên đơn - vợ chồng bà T. đưa ra đầy sức thuyết phục. Đó là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng họ, được cấp năm 2004. Bà T. còn cho biết, hồi đó, chồng bà Th. có điện thoại, thương lượng mua nhà với giá 1 tỷ đồng và bà đã đồng ý. Ông này đã gửi 100 triệu đồng làm tin; tuy nhiên, việc thỏa thuận này chỉ nói bằng miệng. Năm 2008, vợ chồng bà Th. ly hôn. Biết pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà ở Việt Nam nên vợ chồng bà T. đã gọi điện cho chồng cũ bà Th. để hủy thỏa thuận trước đó, đồng thời gửi trả lại 100 triệu đồng, ông này đã ký giấy nhận tiền. Sau đó, bà Th. mới đòi nhà vợ chồng bà T. với lý do đã đưa tiền cho chồng cũ về Việt Nam mua. Bà T. giải thích đã hủy việc mua bán, tiền đặt cọc cũng đã trả lại lâu rồi nhưng bà Th. không chịu. Lời khai của chồng cũ bà Th. (vắng mặt) cũng ủng hộ vợ chồng bà T. khi khẳng định có thỏa thuận mua nhà, có đặt cọc 100 triệu đồng bằng tiền riêng, nhưng khi ông bàn với vợ thì bà Th. không đồng ý nên vợ chồng bà T. đã trả lại tiền.
Nguyên đơn chỉ bất ngờ khi bà mẹ ra trước Tòa làm chứng. Bà cho biết, bà Th. đã nhờ vợ chồng bà T. đứng tên mua giùm và cho thuê ở; chỉ vì tình nghĩa chị em nên bà Th. nể nang, không làm giấy tờ. Khi trở về Việt Nam, bà Th. đã lấy lại nhà, giao cho mẹ và anh trai ở, trông coi. Sau đó, vợ chồng bà T. gọi điện thoại xin bà Th. cho ở nhờ và mở lò sản xuất bánh mì. Bà Th. đồng ý với điều kiện bà T. phải cấp dưỡng nuôi mẹ hàng tháng, nhưng thực tế, bà T. không làm điều đó. Khoảng năm 2011, bà Th. về Việt Nam giải quyết chuyện nhà đất và đã ở tại căn nhà này, sau đó giao nhà cho mẹ và anh trai quản lý, nhưng bà T. đã thuê người đến đuổi mẹ và anh trai ra khỏi nhà...
Tòa đã công bố bản ghi âm cuộc họp gia đình; trong đó, vợ chồng bà T. khẳng định sẽ bán căn nhà của vợ chồng bà Th. để trả tiền gốc mua nhà cho bà Th., họ lấy phần còn lại, bởi vợ chồng người chị đã bỏ tiền ra sửa chữa (chính là khoản tiền 100 triệu đồng mà trước Tòa, nguyên đơn khai là tiền đặt cọc mua nhà của chồng bị đơn), làm tăng giá trị cho ngôi nhà. Thừa nhận đúng giọng nói của mình nhưng chồng bà T. vẫn chối quanh, nghi ngờ một số đoạn. Khi Tòa yêu cầu ông này cung cấp mẫu giọng nói để đi giám định thì ông từ chối. Một chứng cứ quan trọng khác là xác nhận của ngân hàng cho thấy đúng trước thời điểm mua nhà, chồng bà T. đã nhận của bà Th. 50 nghìn euro được chuyển từ nước ngoài về qua ngân hàng. Điều này, từ đầu đến cuối vụ kiện, chưa khi nào chồng bà T. chịu hé nhận.
Cuối cùng, căn nhà cũng được trở về đúng với người chủ thực sự của nó, nhưng kết thúc này lại không khiến ai vui, mặc dù việc phân xử hoàn toàn thỏa đáng. Nguyên đơn thua cuộc nên không vui đã đành. Bị đơn thắng kiện cũng chẳng vui gì vì người thua kiện là chị mình. Người mẹ càng đau lòng hơn khi 2 con đưa nhau ra Tòa, còn bà trở thành người làm chứng bất đắc dĩ, khiến 1 con buồn rầu, 1 con thì ôm hận. Bà than thở rằng: “Chị em nó vốn rất thương nhau, chỉ tại cái lợi làm mờ mắt”. Một vài người nghe chuyện lại cho rằng, chung quy chỉ tại bà Th. nể nang, đem tình cảm đặt vào công việc.
Trong cuốn “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, để nói về sự khác biệt văn hóa, nhà “xuất nhập khẩu văn hóa” Hữu Ngọc kể: Một người khách tới nhà và sơ ý làm vỡ chiếc ly; nếu là người Mỹ, họ sẵn sàng đề nghị đền tiền chiếc ly và chủ nhà cũng vui vẻ đồng ý, còn nếu là người Việt Nam, chủ nhà nhất định sẽ từ chối, còn người khách cứ áy náy mãi không thôi. Tất nhiên, không phải duy tình là không hay, cũng như không phải lúc nào cũng nên duy lý, nhưng việc đặt tình cảm vào những quan hệ pháp luật như ở vụ án trên thì lợi ít, hại nhiều.
TAM THUẬT