Phiên tòa chia tài sản của đôi vợ chồng già giống như vở kịch với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Tình nghĩa vợ chồng mấy mươi năm không thấy, chỉ thấy sự nhỏ nhặt trong cách hành xử với nhau.
Phiên tòa chia tài sản của đôi vợ chồng già giống như vở kịch với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Tình nghĩa vợ chồng mấy mươi năm không thấy, chỉ thấy sự nhỏ nhặt trong cách hành xử với nhau.
Ông và bà đều là cán bộ công chức đã về hưu; cả hai đã từng một lần đứt gánh. Vốn là dân trí thức nên đời sống của họ cũng khá yên bình, nhìn bên ngoài thì đó là một gia đình hạnh phúc. Cứ ngỡ họ sẽ sống với nhau đến cuối đời, nhưng bất ngờ, sóng gió nổi lên...
Chuyện là, sau một lần bạo bệnh, ông muốn tổ chức tiệc để gặp gỡ người thân, bạn bè cảm ơn mọi người đã quan tâm. Hôm ấy, bà vô tình bắt gặp ông gọi điện mời vợ cũ đến dự tiệc; giữa 2 người xảy ra kình cãi. Sau lần ấy, ông nhất quyết đi mua nhà sống riêng... Trước Tòa, ông cho biết, lý do khiến ông quyết định ly hôn ở tuổi gần đất xa trời là vì lần cãi nhau ấy, bà đã đánh ông. Đó là điều sỉ nhục mà ông không thể chấp nhận. Tuy nhiên, bà lại không thừa nhận việc này và cho biết, khi cãi nhau, ông đã gọi điện kể tội bà với vợ cũ nên bà chỉ “giựt điện thoại, vô tình trúng mặt ông”. Bà đề nghị vợ chồng tái hợp để con cháu có ông, có bà. Sau nhiều lần hòa giải không thành, Tòa đành cho hai người ly hôn, người con gái sống với bà.
Không thỏa thuận được việc chia tài sản sau ly hôn, đôi vợ chồng lại phải nhờ Tòa án giải quyết. Ra Tòa, ông kê ra một danh mục những tài sản cần chia lên đến vài trang giấy, trong đó, có cả những thứ rất nhỏ nhặt. Sau nhiều tranh cãi, Tòa sơ thẩm đã tuyên căn nhà chung của 2 người trước đây thuộc về bà, bà phải trả cho ông khoản tiền khoảng 400 triệu đồng; căn nhà mà ông mua trong thời gian đang làm thủ tục ly hôn là tài sản riêng của ông. Không đồng ý với phán quyết này, bà kháng cáo đòi chia thêm phần tài sản trong căn nhà mà ông đang sống, chia thêm phần lợi tức mà ông được nhận từ việc góp vốn làm ăn bên ngoài. Theo bà, căn nhà ông mua trong thời gian 2 người ly thân (đang làm thủ tục ly hôn) là tải sản chung của 2 vợ chồng, tiền mua nhà có một phần tiền bà rút từ ngân hàng đưa cho ông làm ăn từ trước, nhưng bà không có giấy tờ chứng minh. Còn ông lại nói, hồi đó, ông đã vay tiền ngân hàng, của người thân và đồng nghiệp để mua nhà. Về khoản lợi tức từ việc hùn vốn làm ăn, ông khai đã giao toàn bộ cho bà để chi tiêu trong những năm 2 người còn chung sống. Nhưng bà đã đưa giấy tờ từ công ty, xác nhận 4 lần chia lợi tức cho ông với số tiền khoảng 45 triệu đồng kể từ sau thời điểm 2 người làm thủ tục ly hôn. Ông bèn biện giải rằng số tiền thực nhận thấp hơn con số trên. Cứ thế, hai bên tiếp tục tranh cãi... Tại Tòa, nhiều lần bà lặp lại “không còn tình thì còn nghĩa, còn con” để mong ông suy nghĩ lại về việc phân chia tài sản sao cho hợp lý, còn tiền để nuôi con đang học đại học nhưng ông một mực không chấp nhận. Phiên tòa căng thẳng tưởng như không có hồi kết; chỉ khi chủ tọa phiên tòa thuyết phục: “Nói là chia thêm cho bà nhưng ông không phải bỏ tiền ra, mà chỉ ghi vào bản án để giảm nhẹ gánh nặng trong việc bà phải thối lại tiền cho ông” thì ông mới chấp nhận.
Trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cùng với việc đưa ra lý lẽ về việc tranh chấp tài sản, hai người tố khổ nhau đủ điều. Bà cho ông là người “đáo để”. Miếng đất để xây căn nhà bà đang sống được Nhà nước cấp cho 2 vợ chồng, nhưng ông lại khai mua bằng tiền ông được nhận từ việc chia tài sản ở cuộc hôn nhân trước... Trong quá trình xử án, thẩm phán đã nhiều lần nhắc nhở 2 người cần bình tĩnh, đừng vì những tranh chấp nhỏ nhặt mà buông lời xúc phạm nhau.
Theo dõi phiên tòa, người ta thấy ông là người tính toán nhỏ nhặt. Hình ảnh của một phụ nữ dịu hiền cũng không còn trọn vẹn khi bà vạch tội ông trước bàn dân thiên hạ. Người xưa có câu “xấu chàng hổ ai”, với tình nghĩa vợ chồng mấy mươi năm, lẽ ra phải giữ lại cho nhau một hình ảnh đẹp, nhưng dường như điều đó đã không có trong phiên tòa này, dù đương sự đều là trí thức và đã lớn tuổi.
NHẬT LỆ