Vụ kiện đòi nhà đất ở TP. Nha Trang căng thẳng từ phiên sơ thẩm, bởi đại diện nguyên đơn (vợ chồng người chú) và đại diện bị đơn (vợ chồng người cháu) đều đối kháng quyết liệt.
Vụ kiện đòi nhà đất ở TP. Nha Trang căng thẳng từ phiên sơ thẩm, bởi đại diện nguyên đơn (vợ chồng người chú) và đại diện bị đơn (vợ chồng người cháu) đều đối kháng quyết liệt.
Đại diện nguyên đơn xác nhận người cháu đứng tên trong sổ hồng và được cấp giấy phép xây dựng nhà, nhưng tiền mua đất, cất nhà đều của nguyên đơn gửi về nhờ mua, xây giùm do ông bà định cư ở nước ngoài, không thể đứng tên nhà đất tại Việt Nam. Nguyên đơn có bằng chứng đã chuyển khoản thành công 71 lần và người nhận tiền đều là vợ bị đơn; chưa kể mỗi lần về Việt Nam họ còn đưa tiền mặt; tổng cộng đưa 2,7 tỷ đồng. Vì tin cháu, người chú không lập văn bản giao nhận tiền, nhưng có giấy xác nhận không đề ngày tháng thể hiện nhờ mua giùm, do chính con gái bị đơn viết, có nhân chứng ký nhận. Nhưng khi vợ chồng người chú yêu cầu cháu làm thủ tục ủy quyền sử dụng nhà đất cho ông bà thì bị đơn từ chối, ngăn cản không cho sử dụng nhà và nói chỉ chấp nhận làm giấy ủy quyền nếu ông bà cam kết cho bị đơn ở nhà này trọn đời. Đến khi thấy bị đơn có động thái chuyển nhượng nhà đất, người chú đã khởi kiện đòi lại.
Đại diện bị đơn phản bác và lập luận: Sổ hồng đứng tên bị đơn. Bị đơn bỏ ra 595 triệu đồng mua đất, khoảng 800 triệu đồng xây nhà; chữ ký trong giấy xác nhận không phải của bị đơn. Đối với việc chuyển tiền, người cháu chỉ thừa nhận các chứng từ giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam, có xác nhận hợp lệ của vợ, tổng cộng khoảng 200 triệu đồng, nhưng khẳng định đây không phải tiền nhờ mua đất, xây nhà mà là tiền chú cho cháu, nếu chú muốn đòi lại thì đồng ý trả.
Đại diện con gái bị đơn cũng khẳng định không viết, không biết về giấy xác nhận. Người bán đất thì nói chỉ biết và giao dịch với người cháu. Nhiều nhân chứng khác lại bảo biết nguyên đơn về Việt Nam mua đất, cất nhà và nhờ bị đơn đứng tên, coi giùm nhà…
Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên xử nhà đất thuộc sở hữu nguyên đơn nhưng nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn hơn 330 triệu đồng công bảo quản, giữ gìn, quản lý, trông coi xây nhà.
Vụ án chưa dừng lại bởi hai bên đều kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị. Ở giai đoạn phúc thẩm, các đương sự vẫn không hòa giải được. Nhưng kết quả giám định giấy xác nhận cho thấy, chữ viết trên đó của con gái bị đơn, chữ ký của bị đơn. Vì vậy, tòa đã tuyên bị đơn phải trả lại nhà đất cho nguyên đơn và được thanh toán lại 150 triệu đồng công thuê thợ làm nhà, trông coi thợ như đề nghị của nguyên đơn. Cấp này còn phân tích, sau khi làm nhà, bị đơn sử dụng tiếp 9 năm là đã được lợi.
Không phải vụ đòi tài sản nào nguyên đơn cũng thắng kiện. Ở vụ trên, sự tin tưởng, chủ quan của nguyên đơn vô tình giúp bị đơn phản bác. Nếu không có giấy xác nhận được giám định theo thủ tục hợp pháp, có lẽ không chứng minh được nguyên đơn là chủ sở hữu. Phán quyết của cấp phúc thẩm dĩ nhiên không làm bị đơn hài lòng, nhưng nguyên đơn cũng chẳng phấn khởi, bởi tuy thắng kiện nhưng vẫn bị tổn thất tình cảm. Thực tế, trong giao dịch về tài sản, người ta thường thận trọng với người ngoài, nhưng lại cả nể với bạn bè, bà con, bởi ngại ngần nếu thỏa thuận rõ ràng từ đầu có vẻ thiếu tế nhị, mất tình cảm. Chính cách suy nghĩ “vị tình” đó đã làm nảy sinh cơ hội khiến bên kia hám lợi; đến khi phải lôi nhau ra kiện tụng mới thấy mệt mỏi, ân hận. Người xưa có câu: “Mất lòng trước, được lòng sau”, ý muốn khuyên, thà thẳng thắn, rõ ràng ngay từ đầu, còn hơn để lôi thôi, rầy rà về sau. Giao dịch càng minh bạch, thỏa thuận càng rõ ràng, chứng cứ càng hợp pháp thì quyền lợi đôi bên càng được bảo toàn, không sứt mẻ tình cảm.
TAM THUẬT