Đánh vào tâm lý cần việc làm của người dân, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội, nhắn tin tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" để lừa đảo. Người lao động cần nâng cao cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo này, khi muốn tìm việc làm cần liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp uy tín để được tư vấn.
Đánh vào tâm lý cần việc làm của người dân, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội, nhắn tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” để lừa đảo. Người lao động cần nâng cao cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo này, khi muốn tìm việc làm cần liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp uy tín để được tư vấn.
Lắm chiêu lừa đảo
Chị Nguyễn Thị D. (phường Phước Long, TP. Nha Trang) vốn là nhân viên của một khách sạn ở Nha Trang. Do dịch Covid-19, chị phải nghỉ việc hơn 2 năm nay khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị rất muốn tìm một công việc phù hợp để có tiền lo cho 2 con ăn học. Đầu tháng 3, chị D. nhận được tin nhắn điện thoại với nội dung: “Amazon cần tuyển 100 nhân viên làm việc tại nhà. Công việc là xử lý đơn đặt hàng từ nền tảng thương mại điện tử của Amazon. Lương hàng tháng từ 10 đến 50 triệu đồng. Các bạn có nhu cầu tham gia cần liên hệ zalo: 0926816xxx”. Thấy lời mời hấp dẫn, chị D. đã làm theo hướng dẫn của tin nhắn thì bị lừa mất 300.000 đồng. Chị D. kể: “Khi tham gia đăng ký, tôi được hướng dẫn làm việc online, sao chép link (đường dẫn) sản phẩm để ăn hoa hồng nhưng phải đặt cọc 300.000 đồng để giữ chỗ. Đồng thời, họ yêu cầu tôi đăng ký, nhập thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để trả lương ngay trong ngày. Chờ 1 tuần không thấy việc làm, lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa”.
Chị Huỳnh Thị T. (xã Phước Đồng, Nha Trang) lại nhận được tin nhắn tuyển dụng với nội dung: “Công việc chính quy, trả lương theo ngày. Chào mừng năm 2022, cơ hội làm việc trên điện thoại nhận lương 12 triệu đồng đến 36 triệu đồng/tháng đang chờ bạn. Chỉ cần trên 23 tuổi, liên hệ ngay với zalo 84386904xxx”. Thấy đây là cơ hội tốt, chị T. đã làm theo hướng dẫn và trở thành cộng tác viên bán hàng của một gian hàng ảo trên mạng. Nhiệm vụ của chị là vào đường link để chốt mua một món hàng ảo nhưng không cần nhận hàng. Sau khi giao dịch thành công, chị sẽ được hoàn lại số tiền bỏ ra mua hàng và nhận thêm từ 10% hoa hồng trên tổng số tiền của đơn hàng đó. “Ban đầu tham gia, họ hướng dẫn các thao tác mua hàng, chuyển khoản nên có ngày tôi kiếm được 500.000 đồng tiền lời. Được vài ngày, họ yêu cầu tôi tích điểm để gia tăng tiền hoa hồng và tăng giá trị hóa đơn mua hàng lên 10 triệu đồng. Khi tôi chuyển 10 triệu đồng để mua hàng thì không được trả lại tiền gốc, cũng như hoa hồng như cam kết…”, chị T. kể.
Cẩn trọng với các tin nhắn không rõ nguồn gốc
Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động bị mất việc làm; đồng thời đánh vào tâm lý người dân muốn tìm kiếm công việc nhẹ, thu nhập cao, các đối tượng xấu đã đưa ra nhiều chiêu thức nhắn tin qua điện thoại, trang mạng xã hội để lừa đảo như: Thu nhập cao không giới hạn, việc nhẹ tại nhà, không cần bằng cấp... Các đối tượng xấu còn vẽ ra một công việc như mơ, từ đó yêu cầu người tìm việc phải nộp phí đặt cọc, giữ chỗ để đăng ký làm việc. Để người lao động tin cậy, các đối tượng còn lập tài khoản cá nhân, fanpage mạo danh hoặc giả mạo thông tin chuyên trang tuyển dụng, các công ty, tập đoàn lớn rồi gửi thông tin trực tiếp qua tin nhắn cho người tìm việc.
Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, người lao động cần cảnh giác với các tin nhắn tuyển dụng để tránh bị “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo. Để tìm kiếm việc làm, người lao động cần liên hệ với các đơn vị như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để kiểm tra thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng, mức lương, điều kiện… trước khi ứng tuyển. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để kết nối việc làm và không thu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào của người lao động. Hiện nay, trung tâm luôn duy trì sàn giao dịch việc làm; hàng tháng đều mở phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố để trực tiếp kết nối doanh nghiệp với người lao động. Do vậy, người lao động có thể tới các sàn, phiên giao dịch này để được tư vấn tìm kiếm việc làm miễn phí phù hợp với khả năng tay nghề.
Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, các hình thức, thủ đoạn lừa đảo việc làm, mua hàng để được nhận hoa hồng gần đây rất tinh vi khi dựa vào tình hình thông tin xã hội, kinh tế để xây dựng kịch bản đánh vào sự cả tin, nhẹ dạ của người tìm việc. Vì vậy, người dân cần cảnh giác khi nhận được tin nhắn không rõ nguồn gốc; thận trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin, chương trình khuyến mãi trước khi nhấn vào đường link tham gia. Đặc biệt, người dân không nên cung cấp tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần tích cực tuyên truyền đến người dân về phương thức thủ đoạn mới nêu trên của tội phạm để tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
PHÚ AN