Sắp đến, Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ tổng hợp các vụ việc thi hành án hành chính, đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án và Viện kiểm sát đã kiến nghị nhưng vẫn chậm thi hành án để báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét tổng hợp kiến nghị chung.
Sắp đến, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) các tỉnh, thành phố sẽ tổng hợp các vụ việc thi hành án hành chính, đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án và Viện kiểm sát đã kiến nghị nhưng vẫn chậm thi hành án để báo cáo VKSND tối cao xem xét tổng hợp kiến nghị chung.
Đây là một trong những nội dung giải đáp, hướng dẫn mới đây của VKSND Tối cao (Vụ 11) đối với những khó khăn vướng mắc trong kiểm sát thi hành án hành chính. Trước đó, ngày 26-11-2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 8665 về việc chỉ đạo công tác thi hành án hành chính. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành, chậm thi hành; làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 71/2016 của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Thông báo nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016 của Chính phủ và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ, có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế (nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật) để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính. Theo đó, lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, khẩn trương thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn. Trường hợp bản án hành chính đã có hiệu lực từ năm 2020 trở về trước thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đến nay chưa được thi hành xong, phải chỉ đạo làm rõ nguyên nhân xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 71/2016 của Chính phủ.
Thực tiễn cho thấy số vụ án hành chính chưa thi hành tồn đọng là khá nhiều. Nguyên nhân là người phải thi hành án lại chính là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, dẫn đến việc Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành; Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án, nhưng thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.
Mặt khác, hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân và các tổ chức, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền các cấp.
Chẳng hạn, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bản án, quyết định về vụ án hành chính, Tòa án đã có quyết định buộc thi hành án nhưng có khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến khiếu nại kéo dài; VKSND đã kiến nghị nhiều lần cũng chưa giải quyết dứt điểm.
Về vấn đề này, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) VKSND Tối cao đã có hướng dẫn cụ thể như sau: Nghị định 71/2016 của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan phải thi hành án hành chính, thời hạn thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự; trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc thi hành án của cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, cá nhân phải thi hành án. Bênh cạnh đó, Nghị định 71/2016 cũng có những quy định để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ để thi hành.
Với chức năng kiểm sát thi hành án hành chính theo quy định tại điều 315 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, VKSND địa phương cần chủ động thực hiện việc giao nhận bản án, quyết định về vụ án hành chính và việc ra quyết định buộc thi hành án hành chính, chuyển giao quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, kiểm sát công tác theo dõi thi hành án hành chính của Cơ quan Thi hành án dân sự; kiểm sát việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân; chú trọng phát hiện vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thi hành án hành chính, tìm ra nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc chậm trễ thi hành án để kịp thời kiến nghị khắc phục vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm đến mức cần truy cứu, xử lý trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân thì đối chiếu với quy định tại Chương III của Nghị định 71/2016 để chủ động kiến nghị cho phù hợp.
HỒNG HÀ