Do nhu cầu cần tiền để mua sắm dịp cuối năm, các đối tượng đã liên tục có các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Trong đó, thủ đoạn lừa người dân được xét duyệt hồ sơ vay vốn ngân hàng, yêu cầu họ đóng phí bảo hiểm rồi chiếm đoạt được coi là khá mới của tội phạm.
Do nhu cầu cần tiền để mua sắm dịp cuối năm, các đối tượng đã liên tục có các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Trong đó, thủ đoạn lừa người dân được xét duyệt hồ sơ vay vốn ngân hàng, yêu cầu họ đóng phí bảo hiểm rồi chiếm đoạt được coi là khá mới của tội phạm.
Núp bóng giao dịch COD
Một sáng giữa tuần, nhận được cuộc gọi từ số máy 02822000190, ông Đ.M.T (trú xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) ngỡ ngàng khi thấy một người lạ tự xưng tên Hải đọc chính xác họ và tên, số chứng minh nhân dân cùng địa chỉ cư trú của ông. “Người này cho biết, tôi vừa mua trả góp điện thoại và được ngân hàng hỗ trợ vay thêm tiền mặt để chi tiêu dịp cuối năm. Một phần vì cần tiền để trả nợ và mua sắm dịp Tết, tôi đã đồng ý khoản vay 70 triệu đồng với lãi suất chỉ 1%/tháng”, ông T. kể.
Chỉ sau đó vài giờ, người đàn ông có số máy kể trên tiếp tục điện thoại cho ông T. và thông báo hồ sơ của ông đã được ngân hàng duyệt cho vay. Người này còn cho biết sẽ có người gọi cho ông T. để xác nhận bưu cục gửi hồ sơ về. Để nhận được khoản vay này, ông phải đóng một khoản phí bảo hiểm 1,39 triệu đồng. Khoản phí này sẽ được giữ trong 3 tháng rồi hoàn trả lại cho ông.
Biết ông T. đã cắn câu, người đàn ông tự xưng tên Hải tiếp tục gọi thêm những cuộc khác và hướng dẫn ông khi đến bưu cục cần giữ bí mật, không được nói gì với nhân viên bưu điện. Bên trong bưu cục có cung cấp mã ID đã duyệt hồ sơ vay vốn, ông chỉ cần mang mã này tới ngân hàng sẽ được giải ngân vay vốn. Theo hướng dẫn, ông T. đến Bưu điện thị xã Ninh Hòa để nhận gói hàng với khoản phí “bảo hiểm” 1,39 triệu đồng. Tại đây, người đàn ông tên Hải yêu cầu ông T. không được ngắt điện thoại khi nhận bưu cục để được “hỗ trợ”. Xong xuôi, ông T. được yêu cầu mở bưu cục và mở một phong bì để nhận “mã ID kích hoạt vay vốn ngân hàng” gồm 12 số rồi đọc cho Hải qua điện thoại theo yêu cầu. Hải còn đề nghị ông đọc số tài khoản và nói sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản cho ông.
Sự việc xảy ra vào sáng 13-1 nhưng đến nay ông T. vẫn chưa thấy 70 triệu đồng được chuyển vào tài khoản. “Sau 30 phút nhưng không hề nhận được tiền, tôi mới biết mình đã bị lừa”, ông T. kể. Tìm hiểu được biết, vì gói hàng được gửi theo đường bưu điện và đóng dấu COD (nhận hàng, trả tiền) nên ông T. đã dễ dàng bị lừa. Ngoài ra, bên ngoài gói hàng được chuyển đến tay ông T. còn ghi nhiều thông tin khác như: “Bưu tá không được mở. Vi phạm bồi thường 100% phí COD”. Điều này cho thấy, các đối tượng đã dàn dựng một vụ lừa đảo nhưng được núp bóng giao dịch COD khá phổ biến hiện nay.
Người dân cần cảnh giác
Trong chiều 13-1, ông T. tiếp tục đến Bưu điện thị xã Ninh Hòa để tìm hiểu sự việc thì thấy một số người đến đây với mục đích nhận “mã ID kích hoạt vay vốn ngân hàng”. “Tôi lo sợ họ bị lừa nên ngăn lại và yêu cầu họ tắt điện thoại. Có ít nhất 3 người được tôi ngăn lại, nếu không họ đã bị lừa giống tôi”, ông T. kể.
Chị T.T.H.L (sinh năm 1992, trú xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) cho biết, ông T. đã kịp ngăn chị nhận gói hàng ngay tại Bưu điện thị xã Ninh Hòa. Thiếu chút nữa chị đã bị lừa. Khi chị không nhận gói hàng, liên tục trong ngày 14-1, các đối tượng gọi điện và đe dọa chị.
Trao đổi với phóng viên, một nhân viên Bưu điện thị xã Ninh Hòa (xin được giấu tên) cho biết, trong mấy ngày qua, ngày nào cũng có người tới bưu điện để nhận hàng được chuyển đến theo hình thức COD giống như ông T. Ngay trong sáng 15-1, có một phụ nữ đến nhận hàng và bị lừa giống trường hợp ông T. Vì họ không ngừng nghe điện thoại nên khi đó nhân viên bưu điện không thể cảnh báo họ đang bị lừa. Có trường hợp sau khi được nhân viên bưu điện cảnh báo nhưng họ vẫn không tin. Chỉ đến khi bị lừa họ mới tá hỏa quay lại bưu điện để thắc mắc.
Thành Long