10:09, 30/09/2019

Ngang nhiên phá hoại tài sản trên đất đang tranh chấp

Báo Khánh Hòa vừa nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Ngo (90 tuổi, ở tổ 4, thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) về việc gia đình ông Nguyễn Đình Đô (23 Trần Bình Trọng, phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) ngang nhiên đưa máy móc, nhiều người tới uy hiếp phá hoại tài sản trên khu đất của gia đình bà sử dụng ổn định nhiều năm nay.

Báo Khánh Hòa vừa nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Ngo (90 tuổi, ở tổ 4, thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) về việc gia đình ông Nguyễn Đình Đô (23 Trần Bình Trọng, phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) ngang nhiên đưa máy móc, nhiều người tới uy hiếp phá hoại tài sản trên khu đất của gia đình bà sử dụng ổn định nhiều năm nay.


Ngang nhiên phá hoại tài sản


Bà Nguyễn Thị Ngo cho biết, sáng 27-9, hàng chục người lạ mặt đưa máy múc, ô tô tải, gậy gộc, dao rựa và lưới thép kéo đến chặt phá cây cối, ủi sập tường rào của gia đình bà. Thấy sự bất bình, hàng chục người dân xung quanh đã kéo đến phản đối, ngăn chặn sự việc.

 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Vĩnh Thạnh đã tổ chức cuộc họp với các bên dưới sự chủ trì của ông Phan Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh. Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của các bên, ông Phan Ngọc Thái yêu cầu các hộ gia đình chấp hành đúng quy định của pháp luật, không gây mất an ninh trật tự. Đồng thời, đồng ý cho gia đình ông Nguyễn Đình Đô thực hiện cắm mốc ranh giới thửa đất của gia đình bà Ngo và thông báo cho các bên có liên quan biết về thời gian để chứng kiến việc cắm mốc. “Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc cắm mốc, những người này còn tiến hành đóng cọc thép, dùng lưới B40 rào quanh khu đất của gia đình, nên tôi không thể đi lại, canh tác trên khu đất của mình được. Điều này khiến tôi rất hoang mang, lo sợ. Điều đáng lo hơn là suốt quá trình xảy ra vụ việc, tôi đã nhiều lần kêu cứu đến lãnh đạo xã Vĩnh Thạnh nhưng tất cả đều làm ngơ”, bà Ngo cho biết.


Tìm hiểu sự việc tại hiện trường, chúng tôi thấy bức tường rào đã bị các đối tượng ủi sập, rồi dựng lên một hàng rào lưới B40 rất kiên cố bao quanh khu đất của bà Ngo. Nhiều cây cối trong vườn cũng bị chặt phá. Ông Bùi Phú Vinh - Trưởng thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh nói: “Gia đình bà Ngo sinh sống ổn định ở khu đất này đã rất nhiều năm nay. Sự việc gia đình ông Nguyễn Đình Đô ngang nhiên đưa người, máy móc tới phá hoại tài sản trên đất của bà Ngo thật sự rất bất ngờ, gây hoang mang, lo lắng cho cụ bà đã 90 tuổi. Khu đất đang nằm trong tranh chấp, nhưng với hành vi của ông Nguyễn Đình Đô ngang nhiên tới phá hoại tài sản, rào đất của bà Ngo mà không có sự giám sát, chứng kiến, thông báo của chính quyền địa phương là không thể chấp nhận được. Hôm đó, tôi kịp thời ngăn chặn, tìm hiểu sự việc chứ không sẽ dễ xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự”.   

 

Các đối tượng dùng lưới B40 rào quanh khu đất của gia đình bà Ngo.

Các đối tượng dùng lưới B40 rào quanh khu đất của gia đình bà Ngo.

 

Đất đang tranh chấp


Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất của bà Nguyễn Thị Ngo đã sử dụng hơn 50 năm hiện đang xảy ra tranh chấp. Vụ việc đã từng được Báo Khánh Hòa phản ánh ngày 22-5-2018 trong bài “Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất ở Vĩnh Thạnh: Cấp sổ đỏ cho đất đang tranh chấp”. Năm 1958, bà Ngo đã mua lại khu đất có tổng diện tích 1 mẫu 5 sào từ các ông bà: Nguyễn Thị Thóc, Bùi Tấn Tự, Bùi Thị Thao. Việc mua bán này được thể hiện trên giấy bán đất, kèm theo bản đồ và Hội đồng Hương chính xã Vĩnh Thạnh lúc đó chứng thực. Đặc biệt, ngày 1-7-1963, Ty Điền địa Khánh Hòa cũng đã chứng nhận chủ thửa đất trên là của bà Ngo. Bất ngờ, đến năm 2009, ông Nguyễn Thành Đô (ở Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) tới khu đất mà bà Ngo phát cây và nhận là đất của mình do được chuyển nhượng từ ông bà Bùi Văn Mây và Bùi Thị Thơm vào năm 2008. Sau đó, ông Nguyễn Thành Đô kiện bà Ngo ra tòa đòi 555m2 là một phần trong toàn bộ thửa đất mà bà Ngo đang quản lý, sử dụng. Lúc này, bà Ngo mới biết và không hiểu vì sao một phần đất của bà lại được cấp cho ông bà Bùi Văn Mây và Bùi Thị Thơm vào năm 1997. Do vậy, bà Ngo đã có đơn phản tố, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà TP. Nha Trang đã cấp trái luật. Điều bất ngờ nữa là, trong khi đang kiện đòi QSDĐ, ông Nguyễn Thành Đô vẫn mang GCNQSDĐ đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng. Đến khi cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp do ông Nguyễn Thành Đô không trả được nợ, bà Ngo mới biết đất mình đang sử dụng bấy lâu đã bị ông Nguyễn Thành Đô thế chấp.  

 

Luật sư Nguyễn Hồng Hà: Trong Bản án số 78/2019 ngày 28-6-2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không tuyên bà Ngo phải giao đất cho bất cứ ai nên cơ quan thi hành án không thể ra quyết định thi hành án buộc bà Ngo thực hiện giao đất. Ông Nguyễn Đình Đô chỉ là người mua đất, không có quyền yêu cầu thi hành án cưỡng chế buộc bà Ngo phải giao đất. Việc ông Nguyễn Đình Đô tự động nộp tiền và có biên bản nộp tiền là sự tự ý của họ, không liên quan đến vấn đề thi hành án.

Chưa hết, sau khi ông Nguyễn Thành Đô rút đơn kiện; bà Ngo kiện lại, đề nghị công nhận QSDĐ cho bà, hủy các GCNQSDĐ đã cấp và đã được tòa án thụ lý, tháng 1-2017, ông Nguyễn Thành Đô vẫn chuyển nhượng xong mảnh đất trên cho ông Nguyễn Đình Đô (23 Trần Bình Trọng, phường Phước Tiến). Khi vụ kiện đang trong quá trình giải quyết, tháng 9-2017, ông Nguyễn Thành Đô vẫn được cấp GCNQSDĐ mới đối với thửa đất đang tranh chấp và đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đình Đô, vi phạm các điều kiện chuyển QSDĐ quy định trong Luật Đất đai.


Điều rất lạ là, trong quá trình vụ kiện diễn ra chưa ngả ngũ nhưng nhiều lần các ông bà: Bùi Văn Mây và Bùi Thị Thơm, Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Đình Đô đều thực hiện giao dịch chuyển nhượng đất thành công và được cấp GCNQSDĐ. Và những người này đều vịn vào GCNQSDĐ để đòi đất dù không sử dụng đất một ngày nào.


Hiện nay, bà Ngo đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 78/2019 ngày 28-6-2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng vì xử không đúng sự thật khách quan, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất là người cao tuổi cả cuộc đời sử dụng ổn định với nhà đất và tài sản thuộc sở hữu, sử dụng.


Điều gia đình bà Ngo mong muốn nhất hiện nay là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ, yêu cầu tháo dỡ hàng rào trong khu vườn của gia đình bà. “Hiện nay, tôi đang gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội. Chính vì vậy, tôi mong mọi việc sẽ được tiến hành theo đúng quy định pháp luật, chứ không thể hành sự theo kiểu giang hồ như vậy được”, bà Ngo nói.


PHÚ AN