Quá trình tổ chức thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đối với quyền sử dụng đất tại Cam Ranh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Sương cho thấy, quyết định trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Quá trình tổ chức thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hồ Chí Minh đối với quyền sử dụng đất tại Cam Ranh của Công ty TNHH Ngọc Sương cho thấy, quyết định trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Quyết định vi phạm pháp luật?
Trên cơ sở quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 17-8-2010 của TAND TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Ngọc Sương (địa chỉ 33 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) phải thi hành 45 hồ sơ với tổng số tiền gần 180 tỷ đồng, gồm án phí và tiền trả cho công dân, tổ chức. Hồ sơ được Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hồ Chí Minh ủy thác cho Chi cục THADS TP. Cam Ranh tiếp tục tổ chức thi hành, đến ngày 4-12-2017 được Cục THADS tỉnh rút lên tổ chức thi hành. Do Công ty TNHH Ngọc Sương không tự nguyện thi hành nên cục phải kê biên, xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng 4 lô đất số 01, 02, 03, 04 ở khu Bãi Lao, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh theo 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ T-01928 đến T-01931, được UBND tỉnh cấp ngày 8-5-2009.
Tuy nhiên, cả 4 lô đất trên đều là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, được Nhà nước cho Công ty TNHH Ngọc Sương thuê đất trả tiền hàng năm. Theo Điều 111 Luật Đất đai năm 2003, Công ty TNHH Ngọc Sương không có quyền đem thế chấp quyền sử dụng 4 lô đất trên với các tổ chức tín dụng để vay nợ. Việc TAND TP. Hồ Chí Minh công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, cho phát mãi tài sản để thu hồi nợ cho ngân hàng là trái Điều 111 Luật Đất đai năm 2003. Hơn thế, 4 lô đất trên do Nhà nước cho Công ty TNHH Ngọc Sương thuê đất trả tiền hàng năm mà UBND tỉnh Khánh Hòa là đại diện. Nhưng khi giải quyết, TAND TP. Hồ Chí Minh không hề đưa UBND tỉnh Khánh Hòa vào tham gia tố tụng, vi phạm tố tụng dân sự, không đảm bảo quyền lợi cho UBND tỉnh.
Tuy đã đem thế chấp quyền sử dụng 4 lô đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm từ năm 2009 và năm 2010, TAND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho ngân hàng, nhưng sau đó, Công ty TNHH Ngọc Sương vẫn đề nghị UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất. Do không được tham gia tố tụng, UBND tỉnh không biết công ty này đã thế chấp quyền sử dụng 4 thửa đất trên nên vẫn ban hành quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất và phê duyệt dự án. Cụ thể, ngày 12-7-2012, quyết định cho phép công ty trên chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất thuê biệt thự, chuyển từ thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất tại Bãi Lao, Bình Lập, Cam Lập, Cam Ranh. Ngày 27-12-2012, tỉnh lại quyết định phê duyệt giá đất theo giá thị trường tháng 7-2012 để xác định nghĩa vụ tài chính khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty TNHH Ngọc Sương sau khi chuyển mục đích sử dụng đất tại thôn Bình Lập để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Ngọc Sương. Công ty này đã nộp tiền sử dụng đất đối với Khu du lịch sinh thái Ngọc Sương.
Giải quyết quá chậm
Ông Đặng Đình Quyền - Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, ngày 12-3-2018, cục đã có văn bản kiến nghị TAND Tối cao, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét lại quyết định của TAND TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cục chỉ nhận được duy nhất công văn ngày 3-4-2018 của TAND TP. Hồ Chí Minh trả lời “sẽ tiến hành xem xét, giải quyết kiến nghị theo quy định”. Vì vậy, ngày 28-9, cục tiếp tục gửi văn bản kiến nghị xem xét lại.
Theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 11 ngày 1-8-2016 của liên bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao, đối với các kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, người có thẩm quyền phải trả lời kiến nghị trong 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị. Văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, sau khi nhận được kiến nghị của cục và cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã 3 lần yêu cầu TAND TP. Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ vụ án trên (sao gửi) để giải quyết theo thẩm quyền, nhưng đến ngày 4-10, đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ để có thể xem xét quyết định của TAND TP. Hồ Chí Minh theo thủ tục tái thẩm. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của UBND tỉnh Khánh Hòa.
NGUYỄN VŨ