Theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có rất nhiều quyền, như: được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại điều này; trình bày lời khai, trình bày ý kiến; ...
Theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có rất nhiều quyền, như: được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại điều này; trình bày lời khai, trình bày ý kiến; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Về nghĩa vụ, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, nếu đối tượng không có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác thì phải giải quyết ra sao, áp dụng biện pháp chế tài nào, xem ra luật còn bất cập.
Điều 83 BLTTHS năm 2015 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Ngay từ giai đoạn cơ quan công an giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, người bị tố giác đã có quyền có người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tố giác có thể là luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện, trợ giúp viên pháp lý. Luật sư, người đại diện của người bị tố giác được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; kiểm tra, đánh giá, trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, luật sư, người đại diện của người bị tố giác được có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác. Nếu được điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý thì họ được gặp, hỏi người bị tố giác, người bị giữ…
Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì luật sư, người đại diện… của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác. Họ còn có quyền có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người bị tố giác; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Luật sư, người đại diện của người bị tố giác có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; giúp người bị tố giác về pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể là luật sư, người đại diện của người bị tố giác được tham gia từ thời điểm nào, từ khi cơ quan điều tra có giấy mời người bị tố giác tới làm việc hay từ khi cơ quan điều tra có quyết định phân công cán bộ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Vậy luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị tố giác có phải đăng ký với cơ quan điều tra hay không? Nếu có thì thủ tục ra sao, thời hạn cơ quan điều tra phải giải quyết thế nào, biểu mẫu ra sao...
BLTTHS năm 2015 đã có hiệu lực gần 1 năm nay, nhưng đến thời điểm này, Bộ Công an chưa ban hành quy định về trình tự, thủ tục để người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia vào quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm. Việc chậm ban hành văn bản liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã ảnh hưởng đến hoạt động bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong giai đoạn xác minh khởi tố, điều tra vụ án. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Công an cần khẩn trương ban hành thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc bảo đảm thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; cần quy định áp dụng thống nhất người có quyền nhờ người bào chữa là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc người thân thích của họ ngay trong giai đoạn giải quyết tin báo tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự và người có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi liên quan đến vụ án trong giai đoạn xác minh, khởi tố, điều tra vụ án; khi làm việc với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố… điều tra viên phải đọc và giải thích quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTHS và lập biên bản giao nhận, trong đó phải ghi rõ ý kiến của họ; khi lấy lời khai người lần đầu tiên bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ và hỏi họ có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không để họ làm thủ tục nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; cần công khai thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiến nghị khởi tố và quy định cơ quan điều tra phải đảm bảo sự có mặt của người bảo vệ quyền lợi cho họ (Bộ Công an ban hành các mẫu đơn nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; mẫu thông báo và sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để áp dụng thống nhất). Có như vậy mới đảm bảo quyền công dân, quyền con người trong giai đoạn giải quyết tin báo tội phạm.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà