Sau 2 ngày xét xử và nghị án, chiều 22-8, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1968, nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, nguyên Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh) 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;....
Sau 2 ngày xét xử và nghị án, chiều 22-8, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1968, nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, nguyên Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh) 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đồng thời tịch thu 220 triệu đồng để sung công. Đây là 1 trong 5 bị cáo liên quan đến vụ án “ăn chặn” trầm kỳ xảy ra tại huyện Khánh Sơn năm 2012 (Báo Khánh Hòa đã thông tin).
Trước đó, tháng 8-2015, bị cáo Thành Trung bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. 4 bị cáo còn lại bị kết án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và không kháng cáo gồm: Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Khánh Sơn) và Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an huyện Khánh Sơn) cùng mức 5 năm 6 tháng tù; Trần Lệ Kiên (nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp Công an huyện Khánh Sơn) 5 năm tù; Luân Văn Nam (trú Tô Hạp, Khánh Sơn) 2 năm 6 tháng tù. Tháng 11-2017, tòa xét xử phúc thẩm lần 2, tuyên hủy bản án trên để điều tra lại nội dung liên quan đến bị cáo Thành Trung do nhận thấy không đủ dấu hiệu cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho 4 bị cáo trên.
Tại phiên tòa lần này, bị cáo Thành Trung tiếp tục không nhận tội. Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận định, có căn cứ xác định cáo trạng truy tố đúng. Theo đó, trong 2 ngày 26 và 27-9-2012, hai nhóm người dân đã khai thác trái phép được 2 đoạn trầm kỳ tại khu vực núi Gộp Ngà, thôn Ma O, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn và giao cho Kiên, Hà, Anh Trung (đại diện đội liên ngành) giữ, không nộp cho cơ quan nhà nước. Do tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải có hậu quả là dấu hiệu bắt buộc; chỉ khi gây thiệt hại thì tội phạm mới hoàn thành, nên vào ngày 26-9-2012, khi các bị án giữ đoạn trầm thứ nhất, không giao nộp cấp trên là vi phạm pháp luật nhưng chưa hoàn thành tội phạm. Tối 27-9-2012, bị cáo Thành Trung gặp gỡ, bàn bạc rồi nhận đoạn trầm kỳ đem bán được 4 tỷ đồng mà không nộp cho cơ quan nhà nước, hôm sau chia cho các đối tượng. Lúc này, tội phạm mới hoàn thành. Ngày 30-9-2012, bị cáo Thành Trung tiếp tục nhận bán đoạn trầm kỳ thứ 2 được 350 triệu đồng. Trong vụ án này, bị cáo Thành Trung có vai trò đồng phạm giúp sức. Bị cáo nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không báo cáo, cũng không kịp thời ngăn chặn các bị án khác, còn yêu cầu giao cho mình đem bán, gây thiệt hại cho nhà nước 4,35 tỷ đồng, riêng bị cáo hưởng lợi 220 triệu đồng. Bị cáo không chịu khai nhận, còn bàn bạc với người khác khai sai sự thật nên cần chịu hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo cũng có nhiều đóng góp cho nhà nước nên được xét giảm một phần hình phạt.
N.V