Sau một thời gian theo dõi, mật phục, sáng 9-1, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã bắt quả tang một cơ sở làm giả nhãn hiệu bột ngọt do ông Lâm Phát Tiến, sinh năm 1974, trú tổ 4, thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang làm chủ.
Sau một thời gian theo dõi, mật phục, sáng 9-1, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã bắt quả tang một cơ sở làm giả nhãn hiệu bột ngọt do ông Lâm Phát Tiến, sinh năm 1974, trú tổ 4, thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang làm chủ.
Mua hàng tấn bột ngọt có xuất xứ Trung Quốc của một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó về phân lẻ vào các loại bao bì mang nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto - một thương hiệu bột ngọt nổi tiếng của Nhật Bản đang rất được người Việt Nam tin dùng rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Đây chính là cách mà ông Lâm Phát Tiến đã làm trong hơn 2 tháng qua để kiếm lời.
Trong khi ông Tiến đang vận chuyển những thùng các-tông có chứa hàng trăm kg bột ngọt này lên một chiếc xe tải nhỏ, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ thì bị lực lượng công an ập vào bắt giữ. Sau khi tiến hành kiểm tra tại hiện trường, lực lượng công an còn phát hiện thêm 18 bao bột ngọt loại 25kg/bao có in chữ Trung Quốc và rất nhiều thùng bột ngọt đã đóng gói thành phẩm có nhãn hiệu Ajinomoto. Làm việc với lực lượng công an, ông Tiến khai nhận: “Tôi mua các loại bao bì ở Chợ Lớn, TP. Hồ Chí Minh về, sau đó cho bột ngọt kém chất lượng vào đóng gói và mang đi bán ở các chợ với giá rẻ hơn giá thị trường. Thực chất đây là nhãn mác trôi nổi, không phải là thương hiệu của Ajinomoto, nhưng tôi giả thương hiệu để bán”.
Mỗi tháng, ông Tiến cung cấp khoảng 1 tấn bột ngọt kém chất lượng cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh và huyện Diên Khánh. Trung bình mỗi tấn bột ngọt bán ra thị trường trót lọt, ông Tiến thu lời khoảng 20 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 1,5 tấn bột ngọt cùng nhiều vật liệu, phương tiện phục vụ cho việc “sản xuất” của ông Tiến. Theo Thượng tá Trần Minh Quang - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh, hành vi sản xuất, kinh doanh này của ông Tiến đã vi phạm pháp luật, xâm phạm sở hữu trí tuệ của một thương hiệu hàng hóa đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Bột ngọt là một chất phụ gia thực phẩm được nhiều gia đình sử dụng trong chế biến món ăn. Việc triệt phá thành công cơ sở sản xuất bột ngọt giả đã kịp thời ngăn chặn hàng tấn bột ngọt kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Tết Nguyên đán sắp đến gần, cũng là thời điểm mà tình trạng hàng giả, hàng nhái càng diễn biến phức tạp. Vì thế, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chọn những địa điểm mua hàng uy tín, đồng thời xem xét kỹ bao bì, nhãn mác để tranh mua phải hàng kém chất lượng.
Lan Phương