Sáng 30-11, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm
Sáng 30-11, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm (sinh năm 1979, trú 24A tổ 21, Đặng Tất, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Sau khi bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (gọi tắt là Nhà nước), bị cáo đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Cũng như ở phiên sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Quỳnh thừa nhận đã thực hiện toàn bộ hành vi như bản án sơ thẩm đã tuyên. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng bản thân không nhằm chống Nhà nước nên không phạm tội trên. 3 luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo gồm: Nguyễn Khả Thành (Đoàn LS Phú Yên); Nguyễn Hà Luân (Đoàn LS Hà Nội) và Hà Huy Sơn (Đoàn LS Hà Nội) cũng thống nhất với nội dung trên và còn cho rằng, các kết luận giám định không đảm bảo tính hợp pháp; nhận định mang tính chủ quan, không thể là chứng cứ kết tội. Và nếu vậy, cơ quan tiến hành tố tụng không thể dựa vào duy nhất lời khai nhận của bị cáo để làm căn cứ buộc tội. Do đó, bị cáo không phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước. Tuy nhiên, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã bác bỏ mọi lập luận này.
Hội đồng xét xử nhận định, từ các tài liệu chứng cứ và kết quả tranh luận công khai, đủ cơ sở kết luận: Từ năm 2012 đến tháng 10-2016, bị cáo Quỳnh đã sử dụng facebook cá nhân soạn thảo, chia sẻ, đăng tải nhiều bài viết, biên soạn tập tài liệu, nhiều lần trả lời phỏng vấn báo, đài, tổ chức hoạt động truyền thông nước ngoài với nội dung sai sự thật, không có căn cứ, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Những việc làm này làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xâm hại đến uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước, xuyên tạc lịch sử, có nội dung chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền kích động nhân dân chống lại chính quyền, chống lại chế độ, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an nhân dân. Bị cáo còn trực tiếp cùng 162 cá nhân và 27 tổ chức tham gia Chiến dịch vận động nhân quyền 2015 có nội dung công khai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đối diện với nguy cơ hiểm nghèo, đe dọa đến sự tồn vong của dân tộc, người dân không có nhân quyền, đất nước không có dân chủ. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan. Mức hình phạt 10 năm tù là thỏa đáng.
Cấp phúc thẩm cũng cho rằng, cấp sơ thẩm không xem xét hình phạt bổ sung quản chế đối với bị cáo Quỳnh là thiếu sót, nhưng nội dung này không có kháng nghị nên cấp phúc thẩm không giải quyết được, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Từ đó, tòa tuyên bác kháng cáo của bị cáo Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bị cáo chấp hành 10 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
NHÓM PV NỘI CHÍNH