Theo bộ phận đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa, gần đây, trên cả nước, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao khá phổ biến, thiệt hại tài sản cho người dân rất lớn.
Theo bộ phận đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao (PC46) Công an tỉnh Khánh Hòa, gần đây, trên cả nước, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao khá phổ biến, thiệt hại tài sản cho người dân rất lớn. Riêng ở Khánh Hòa, chỉ trong năm 2016 và quý I/2017 đã xảy ra 30 vụ, thiệt hại tài sản hơn 4 tỷ đồng.
Ở Khánh Hòa, các đối tượng lừa đảo chủ yếu sử dụng 2 chiêu trò sau: sử dụng điện thoại trên nền Internet (Voice IP), gọi điện thoại giả danh công an, đe dọa để người bị hại chuyển tiền để chiếm đoạt và sử dụng facebook, email giả kết bạn, hứa hẹn gửi quà hoặc mời hợp tác kinh doanh, gài nạn nhân chuyển “phí” nhận quà, rồi chiếm đoạt.
Điển hình, khoảng 13 giờ ngày 24-3-2017, một số đối tượng tự xưng là Công an TP. Hải Phòng gọi vào số máy điện thoại cố định tại nhà và số máy di động của bà V.T.M.X. (ngụ tại hẻm Phan Văn Vũ, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang), thông báo đang tiến hành điều tra vụ án rửa tiền và buôn bán ma túy do một người tên Nguyễn Quang Dũng chủ mưu và xác định bà X. có liên quan trong đường dây phạm tội trên. Các đối tượng yêu cầu bà chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản số 2402205037168 của Phạm Văn Hùng mở tại Agribank Chi nhánh Hưng Yên để phục vụ điều tra. Do bà X. kịp thời báo cáo cho cơ quan Công an nên vụ lừa đảo không thành.
Ngày 10-4-2017, bà P.T.Ng. (ở Khu đô thị Phước Long, Nha Trang) đến cơ quan Công an tố cáo vụ lừa đảo. Theo đó, bà kết bạn trên mạng với một đối tượng tên là Marc Commac. Đối tượng này gửi email cho bà nói là đang chiếm giữ số tiền 10 triệu USD và có ý định chuyển về Việt Nam để đầu tư. Đối tượng đã gửi hình ảnh số tiền trên vào email của bà N., hướng dẫn bà chuyển tiền đóng phí vào tài khoản số 0251002737554 của Nguyễn Thị Mai Trinh mở tại Vietcombank quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục hải quan nhận giúp số tiền nói trên. Bà Ng. đã tin và chuyển số tiền 128 triệu đồng vào tài khoản này. Sau đó, bà không liên lạc được với Marc Commac và người có tên Mai Trinh.
Căn cứ vào số vụ đã xảy ra và phương thức bọn tội phạm đã thực hiện, có thể thấy, địa bàn trọng tâm là TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và các thị trấn, nơi người dân có mức sống tốt, có tiền gửi tiết kiệm và trong tài khoản ngân hàng; thường sử dụng mạng xã hội. Hầu hết các vụ lừa đảo trên, các đối tượng nhanh chóng rút và lấy được toàn bộ số tiền. Việc xác minh, truy bắt rất khó thực hiện vì bọn chúng đều dùng giấy tờ, chứng minh nhân dân giả, đứng tên người khác để mở tài khoản tại ngân hàng. Hình ảnh đối tượng do camera tại các ngân hàng và ATM ghi lại không rõ ràng nên khó nhận dạng.
Để phòng ngừa, Đội Chống tội phạm công nghệ cao (PC46) Công an tỉnh lưu ý người dân cảnh giác với dấu hiệu bất thường của các số điện thoại gọi tới, cụ thể số hiển thị trong máy là một dãy số dài 12 số trở lên hoặc đầu số +15… hoặc +16… hoặc +17…, bởi các đối tượng dùng điện thoại trên nền Internet (Voice IP) nên các số điện thoại này không có thực.
Mặt khác, cả 2 phương thức, bọn tội phạm thường liên tục dồn ép về mặt tâm lý làm cho nạn nhân hoang mang, lo sợ, không có thời gian và điều kiện để suy nghĩ hoặc thông báo với người thân để hỗ trợ, mà nhanh chóng làm theo các yêu cầu của đối tượng. Đến khi kết thúc việc chuyển tiền mới biết hoặc nghi bị đối tượng lừa đảo.
Một điểm rất quan trọng là, theo quy định của ngành Công an, cơ quan Công an khi làm việc với người dân đều phải sử dụng giấy mời, giấy triệu tập hoặc nếu làm việc trực tiếp phải xuất trình giấy tờ liên quan (thẻ ngành, giấy giới thiệu). Vì thế, người dân cần lưu ý để tránh bị rơi vào thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.
MINH CƯỜNG