10:08, 01/08/2017

Cảnh giác với chiêu trò giả công nhân ngành điện để lừa đảo

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xuất hiện một số đối tượng giả danh công nhân ngành điện để lừa đảo người dân đóng tiền hoặc mua sản phẩm kém chất lượng.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xuất hiện một số đối tượng giả danh công nhân ngành điện để lừa đảo người dân đóng tiền hoặc mua sản phẩm kém chất lượng.


Anh Nguyễn Văn Khánh (xã Diên An, huyện Diên Khánh) cho biết, cuối năm 2016, sau khi nhân viên ngành điện đến lắp đặt công tơ mới thì có một nhóm 3 người mặc đồng phục màu cam của ngành điện đến thu của anh 500.000 đồng. Sau đó, anh Khánh phát hiện mình bị lừa, bởi ngày hôm sau công nhân ngành điện đến hoàn thiện đường dây mới thu tiền công tơ. Trong khi đó, anh Lê Hải Nam (xã Vĩnh Trung) được 2 người mặc đồng phục ngành điện đến gạ gẫm bán thiết bị có chức năng làm công tơ điện chạy chậm lại. “Tôi từ chối vì thấy làm vậy không đàng hoàng. Họ còn rao bán một số đồ điện với giá khá rẻ nhưng không biết chất lượng thế nào?”, anh Nam cho biết.

 

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng kẻ gian giả danh công nhân ngành điện để thu tiền trái phép của khách hàng. Chiêu trò, thủ đoạn này không mới nhưng vẫn lừa được nhiều khách hàng cả tin, thiếu cảnh giác.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo

Công nhân Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo

 

Ông Nguyễn Kim Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, kẻ gian giả danh nhân viên ngành điện thường dùng hai thủ đoạn để lừa đảo khách hàng. Thứ nhất, qua theo dõi, khi biết ngành điện hoàn thành lắp đặt công tơ, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng, kẻ gian sẽ tự xưng là nhân viên giám sát của ngành điện và yêu cầu khách hàng đóng tiền lắp đặt. Thủ đoạn thứ hai, kẻ gian đến kiểm tra công tơ của khách hàng rồi kết luận công tơ hỏng, yêu cầu khách hàng đóng tiền để mang đi sửa chữa hoặc yêu cầu mua các thiết bị kém chất lượng với giá thành cao để thay thế. Chiêu trò của các đối tượng lừa đảo là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà con ở một số khu vực vùng ngoại ô và trong giờ hành chính. Bởi thời điểm này, chỉ có người già và trẻ em ở nhà nên chúng dễ dàng thực hiện hành vi của mình. Hậu quả của các hành vi này không chỉ khiến khách hàng bị mất tiền, mà nguy hiểm hơn, còn có thể vô tình bị lừa sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng, gây nguy cơ mất an toàn.


Trước tình trạng này, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị điện lực trực thuộc khuyến cáo các cơ quan, tổ chức và người dân đề cao cảnh giác. Đồng thời, khi có nghi ngờ cần thông báo ngay cho cơ quan chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an gần nhất để có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.


NHẬT THANH