Sáng 23-8, qua đường dây nóng Báo Khánh Hòa, tài xế Phạm Văn Cho (sinh năm 1989, trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) thông tin, rạng sáng cùng ngày khi ông đang điều khiển xe tải biển số 43C-074.60 trên Quốc lộ 1 đến địa bàn thị xã Ninh Hòa thì bị tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Ninh Hòa ra hiệu lệnh dừng xe để tiến hành cân kiểm tra tải trọng.
Sáng 23-8, qua đường dây nóng Báo Khánh Hòa, tài xế Phạm Văn Cho (sinh năm 1989, trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) thông tin, rạng sáng cùng ngày khi ông đang điều khiển xe tải biển số 43C-074.60 trên Quốc lộ 1 đến địa bàn thị xã Ninh Hòa thì bị tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Ninh Hòa ra hiệu lệnh dừng xe để tiến hành cân kiểm tra tải trọng. “Tôi được chủ thuê điều khiển xe chở hàng từ TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng. Theo giấy chứng nhận được cơ quan chức năng cấp thì xe có tổng tải trọng tính cả người điều khiển là 23,135 tấn. Sau khi công an cho cân xe, một cán bộ thông báo cho tôi biết, xe có tổng trọng tải là 25,260 tấn, tức vượt chưa đến 15%. Theo quy định hiện hành thì không bị xử phạt nhưng tôi vẫn bị Trạm CSGT Ninh Hòa lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính”, tài xế Cho nói.
Sáng cùng ngày, phóng viên đã có mặt tại hiện trường. Theo quan sát của phóng viên, xe tải biển số 43C-074.60 thuộc hiệu xe Thaco, có mui, chở đầy lốp xe ô tô. Theo trình bày của ông Cho, ông điều khiển xe tải chạy đường dài nên thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật, nhất là quy định chở hàng hóa. Ông Cho dẫn chứng, theo văn bản số 15393, ngày 23-12-2016 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, thì xe ông điều khiển không bị xử phạt vì chở quá tải trọng chưa đến 20%.
Tuy nhiên, Đại úy Hoàng Thế Anh - Trạm trưởng Trạm CSGT Ninh Hòa khẳng định, việc đơn vị lập biên bản xử phạt là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật, tuy vậy tài xế Cho đã không ký vào biên bản vi phạm hành chính quy định về chở hàng hóa vượt tải trọng thiết kế xe. “Ông Cho cho rằng, xe của ông điều khiển chỉ chở vượt tải trọng cầu đường chưa đến 15% và như thế theo quy định thì không bị xử phạt là đúng, nhưng ở đây chúng tôi xử phạt hành vi chở quá tải trọng thiết kế xe và xử phạt theo Điểm a, Khoản 2, Điều 24 Nghị định 46 của Thủ tướng Chính phủ”, Đại úy Hoàng Thế Anh giải thích.
Theo Giấy chứng nhận Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe tải 43C-074.60 có trọng tải toàn bộ (bao gồm thân xe, hàng hóa và người điều khiển) là 23,135 tấn. Tuy nhiên, qua hai lần cân thực tế, xe này có tổng trọng tải lên đến 25,260 tấn, tức vượt tải trọng thiết kế cho phép của xe (chứ không phải vượt tải trọng cho phép của cầu đường) là 1,422 tấn, tức vượt 14,9%. “Theo quy định thì xe loại này chỉ được phép vượt quá tải trọng thiết kế cho phép của xe không quá 10%, nên chúng tôi lập biên bản xử phạt là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”, Đại úy Hoàng Thế Anh thông tin.
Sau khi được giải thích quy định của pháp luật về việc “chở quá tải trọng thiết kế xe” là hoàn toàn khác với quy định “chở vượt tải trọng cho phép của cầu đường” được quy định tại Điều 24 và 33 của Nghị định 46, tài xế Cho mới chịu ký vào biên bản xử phạt. Với mức chở vượt tải trọng nêu trên, xe tải mà ông Cho điều khiển bị xử phạt vi phạm hành chính 900.000 đồng. Liên đới với lỗi vi phạm trên, chủ xe tải trên còn bị phạt bổ sung 3 triệu đồng.
Thành Long