Quá thời gian mà không thụ lý giải quyết, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại... người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ bị xử lý kỷ luật. Đây là quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 75 về thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 (viết tắt là dự thảo).
Quá thời gian mà không thụ lý giải quyết, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại... người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ bị xử lý kỷ luật. Đây là quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 75 về thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 (viết tắt là dự thảo).
Theo Điều 5 Luật Khiếu nại năm 2011, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Trên thực tế, có rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, kể cả từ phía người khiếu nại cũng như người giải quyết khiếu nại và những người khác. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thời gian qua còn rất khó khăn do pháp luật chưa quy định chế tài xử lý. Chẳng hạn quy định về việc giải quyết khiếu nại lần hai quy định tại Điều 33 Luật Khiếu nại: “Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai”. Nếu khiếu nại lần đầu đã quá thời hạn mà vẫn không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết lần hai; tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, hồ sơ khiếu nại trong trường hợp này không có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Căn cứ Điều 33 Luật Khiếu nại năm 2011, trong hồ sơ nếu không có quyết định giải quyết lần đầu sẽ khó khăn trong việc thụ lý giải quyết, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc không thụ lý giải quyết. Một vấn đề nữa cũng cần được quy định rõ, đó là quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết lần hai đối với trường hợp khiếu nại lần đầu những quá thời hạn mà không được người giải quyết; trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần hai, hiện nay vấn đề này được hiểu và áp dụng không thống nhất, cần được hướng dẫn trong Nghị định của Chính phủ.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại. Dự thảo quy định theo hướng: người có thẩm quyền giải quyết lần hai không thụ lý giải quyết mà có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu phải giải quyết. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ yêu cầu giải quyết, trách nhiệm báo cáo về kết quả giải quyết, trình bày rõ lý do về việc chậm giải quyết với người có thẩm quyền. Việc chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu được thông báo cho người khiếu nại, người bị khiếu nại.
Việc không giải quyết khiếu nại gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của công dân. Do đó, gặp trường hợp người có thẩm quyền không giải quyết khiếu nại người dân chỉ biết gửi đơn đến cấp cao hơn. Khi cấp trên của người có thẩm quyền cũng không xem xét thì người dân không biết phải nhờ nơi nào giải quyết khiếu nại của mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc, khiếu kiện gay gắt, phức tạp kéo dài, làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan hành chính nhà nước.
Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của công dân thì người khiếu nại được quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi hành chính của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo Luật Tố tụng hành chính 2015. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án cũng chỉ tuyên buộc người bị kiện - người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Thực tế, người bị kiện có nghiêm chỉnh phán quyết của tòa hay không vẫn là câu chuyện dài đến nay chưa có cơ chế hữu hiệu.
Dự thảo đã bổ sung chương VI quy định về xử lý vi phạm. Theo đó, quy định nguyên tắc xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết, người được giao nhiệm vụ xác minh, người tổ chức thi hành, người khiếu nại khi những chủ thể này có hành vi vi phạm pháp luật. Dự thảo đã quy định chi tiết chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc khi họ có những hành vi vi phạm pháp luật cụ thể như: quá thời gian mà không thụ lý giải quyết, không ban hành quyết định giải quyết, bao che cho người khiếu nại, sách nhiễu phiền hà, không tổ chức đối thoại, đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại…
ĐẠI HƯNG