12:11, 16/11/2016

Vì sao tranh chấp kéo dài

Một vụ tranh chấp đất kéo dài gần 8 năm, đã được chính quyền địa phương xử lý, nhưng đến nay phải quay lại giải quyết từ đầu. Nguyên nhân là do vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Một vụ tranh chấp đất kéo dài gần 8 năm, đã được chính quyền địa phương xử lý, nhưng đến nay phải quay lại giải quyết từ đầu. Nguyên nhân là do vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.


Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh vừa đưa ra xét xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến gia đình cố bác sĩ Kiều Xuân Cư, trú tại số 7 Ngô Thời Nhiệm, TP. Nha Trang. Theo bà Phạm Thị Nhung (vợ của cố bác sĩ Kiều Xuân Cư), nguyên gia đình bà có một thửa đất mộ địa ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang từ chế độ cũ. Sau năm 1975, vì nghĩ là đất nghĩa trang của gia đình nên gia đình bà không đăng ký, kê khai. Đến năm 1980, bà Nhung được gia đình giao quản lý toàn bộ diện tích đất này. Năm 2001, bà Nhung lập sơ đồ vị trí lô đất với diện tích hơn 3.000m2 và kê khai nộp thuế (truy thu thuế từ 1998). Sau đó, gia đình tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế đến năm 2008. Tuy nhiên, cũng trong năm 2008, gia đình bà Nhung phát hiện thửa đất trên đã được UBND TP. Nha Trang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho gia đình ông Lương Dỹ (trú tại phường Vĩnh Hải). Ngay sau đó, gia đình ông Dỹ đã chuyển nhượng một phần diện tích này cho người khác, đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, gia đình bà Nhung đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền.


Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Kiều Xuân Cư và bà Phạm Thị Nhung, ngày 29-8-2008, UBND TP. Nha Trang đã ra quyết định thu hồi và hủy GCNQSDĐ phần đất đang tranh chấp đã cấp trước đó cho gia đình ông Dỹ. UBND TP. Nha Trang cho rằng, diện tích đất đang tranh chấp giữa gia đình bà Nhung và ông Dỹ thuộc thửa đất số 205, 206 tờ bản đồ 37 phường Vĩnh Hải nằm trong khu vực nguyên là nghĩa trang Liên Hoa và nghĩa trang tư nhân hình thành trước năm 1975. Qua kiểm tra thực địa, trên phần đất hiện vẫn còn 6 ngôi mộ, trong đó có mộ phần của gia đình bà Nhung. Đồng thời, căn cứ vào các giấy tờ mà gia đình bà Nhung cung cấp thì diện tích đất tranh chấp thuộc quyền quản lý của gia đình bà Nhung là có cơ sở. Đối với việc thu hồi GCNQSDĐ của gia đình ông Dỹ, UBND TP. Nha Trang cũng cho rằng, trong quá trình kê khai, gia đình ông Dỹ đã kê khai không đúng nguồn gốc, do đó bị thu hồi.


Ông Dỹ không đồng ý và khiếu nại kéo dài. Tháng 6-2014, UBND TP. Nha Trang tiếp tục ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tranh chấp giữa gia đình ông Dỹ và gia đình bà Nhung với nội dung bác đơn khiếu nại của ông Dỹ, đồng thời công nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất tranh chấp cho gia đình bà Nhung. Ông Dỹ lại khiếu nại lên UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng ra quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung tương tự. Không chấp nhận quyết định của cơ quan các cấp, gia đình ông Dỹ đã khởi kiện các quyết định trên ra tòa hành chính. Tại bản án số 05/2016/HC-ST ngày 30-6, TAND tỉnh chấp nhận đơn khởi kiện của gia đình ông Dỹ, hủy quyết định giải quyết khiếu nại mà UBND tỉnh và TP. Nha Trang đã ban hành trước đó bởi 2 quyết định này được ban hành không đúng thẩm quyền quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng xử phúc thẩm vụ án hành chính này và tuyên y án sơ thẩm của TAND tỉnh.


Có thể thấy, ngay từ đầu, nếu UBND TP. Nha Trang xác định phần đất đang tranh chấp đã được cấp GCNQSDĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa thì chỉ hòa giải và hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa để được giải quyết. Còn UBND phường Vĩnh Hải trong giai đoạn đó đã buông lỏng quản lý đất đai; không xác minh cụ thể nguồn gốc đất trước khi tham mưu cho UBND thành phố cấp GCNQSDĐ. Mặc dù gia đình bà Nhung đã đóng thuế đầy đủ từ năm 1998 đến 2008, đồng thời lập hồ sơ thửa đất có chữ ký của Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hải từ năm 2001 nhưng khi vụ việc xảy ra, phường không còn lưu các loại giấy tờ này.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực đã tuyên hủy hai quyết định giải quyết tranh chấp đất đai vì cả hai quyết định này đã “lấn sân” tòa án. Vụ tranh chấp đất giữa ông Dỹ và bà Nhung thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, việc tòa bác quyết định của chính quyền không đồng nghĩa với việc tòa công nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp cho gia đình ông Dỹ. Để giải quyết tranh chấp này, các bên liên quan cần làm lại thủ tục từ đầu, tức là phải khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.


ĐÌNH LÂM